Hoạt động tư vấn hướng nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập. Nếu người tư vấn kêu học sinh đi học nghề vì không đủ năng lực theo học tiếp, chắc chắn sẽ bị phản ứng nặng nề. Nói là tư vấn hướng nghiệp, nhưng thử hỏi có mấy ai nghe theo, nhất là các bậc phụ huynh ảo tưởng trình độ con em mình, ảo tưởng thu nhập khủng, chức vụ cao?
Thậm chí, nhiều cha mẹ còn chẳng thèm nghe xem người ta tư vấn đúng hay không, họ chỉ quan tâm thứ mình mong muốn, chẳng cần biết con cái thích gì? Cứ như vậy, phụ huynh quyết định hết mọi lựa chọn của con. Bản thân các em ngoài đến trường "học nữa, học mãi", cũng đâu biết làm cái gì mà biết mình phù hợp hay không?
Như đứa cháu trai nhà anh họ tôi, học lực trung bình, tính hướng nội, ù lỳ... ấy vậy mà gia đình bắt đi học Luật. Cuối cùng, cháu ra trường, được bà con giới thiệu đi làm vài chỗ chuyên ngành, nhưng ở đâu cũng được vài tháng là bị đuổi. Cơ bản vì tính cách của cháu không phù hợp với ngành đòi hỏi năng động, tính xã giao cao. Thế nên dù có học giỏi thế nào đi nữa cũng vẫn "vô dụng".
Tôi thấy, bây giờ tôi thấy rất nhiều trẻ 14-15 tuổi nhưng không biết làm gì ngoài đi học. Nhiều phụ huynh đã ôm hết mọi việc vào mình chỉ để con học, học và học, kể cả cắt bỏ thời gian giải trí, nghỉ ngơi... bằng những lớp học thêm, học phụ đạo, học nghề lấy điểm cộng... Nhiều học sinh lớp 12 rồi nhưng không hề biết đường quanh khu vực mình sinh sống, trừ quãng đường từ nhà đến trường (thậm chí chưa từng tự đi đến trường một mình).
>> Học sinh Việt như những 'giáo sư biết tuốt'
Nhiều phụ huynh vẽ ra viễn cảnh cho con theo kiểu "học ra trường rồi muốn làm gì thì làm", "giờ phải hy sinh tất cả chỉ để học". Và rồi hệ quả là rất nhiều đứa bé chỉ mong sớm thoát khỏi vòng kìm kẹp của gia đình. Đó là chưa kể trẻ tự chọn ngành cho tương lai bản thân dưới áp lực 12 năm "định hướng" của gia đình cũng là nguyên nhân khiến nhiều em thi đỗ nhưng không muốn học, hoặc bỏ ngang vì thấy không phù hợp, hoặc học xong nhưng làm trái ngành.
Một học sinh xác định rõ khả năng của bản thân đến đâu để lựa chọn chính xác nơi phù hợp, vẫn tốt hơn biết rõ không được nhưng vẫn cố làm. Những học sinh ảo tưởng sức mạnh bản thân, hoặc nói một cách chính xác hơn là gò ép bản thân đuổi theo kỳ vọng hư vô của các bậc phụ huynh chính là những người thất bại thảm hại.
Những em này có thể sẽ cố gắng, nhưng chỉ cần cha mẹ buông ra là các em rất dễ buông bỏ, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, thậm chí là không phân biệt được thực tại. Chuyện ở nhà là "con ngoan trò giỏi" nhưng vừa rời đường đã biến thành trẻ hư, cũng một phần vì các em đang làm điều quá sức của bản thân hoặc đang thực hiện kỳ vọng của cha mẹ.
Những đứa trẻ hư như vậy đáng thương hơn đáng tội. Vì chúng chưa một lần có tiếng nói, chưa một lần được quyết định về cuộc đời mình.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.