Tôi là một người thích đi du lịch và đã đăng ký học du lịch ngay khi thi tốt nghiệp cấp ba. May mắn là cha mẹ tôi không hề phản đối quyết định đó. Thế nhưng, tôi đã không trụ được trong ngành mà mình đam mê, du học do tính cách và khả năng của bản thân không phù hợp. Cộng thêm việc tôi đã không tìm hiểu kỹ trước khi quyết định chọn ngành này, dẫn tới những sự lựa chọn sai lầm.
Quay lại với câu chuyện "Mẹ bắt thi kinh tế dù tôi yêu hội họa". Nếu là cha mẹ, tôi không gay gắt nhưng vẫn sẽ phản đối con lựa chọn ngành nghề chỉ vì theo đam mê. Việc lựa chọn sống với đam mê không có gì là sai. Nhưng bạn phải biết được tính chất công việc của ngành nghề mình thích như thế nào, sẽ có những khó khăn gì, và liệu mình có đủ hành trang để vượt qua những khó khăn đó hay không. Từ đó bạn sẽ phải rèn luyện những gì để vượt qua những khó khăn đó, phải có kế hoạch rèn luyện như thế nào...? Và còn vô số những câu hỏi khác tương tự.
Đúng là tương lai của chúng ta là do chính chúng ta lựa chọn. Nhưng nó phải dựa trên lý trí và sự sáng suốt chứ không phải chỉ có đam mê là đủ để kiếm ra tiền. Bạn chính là tài sản quý giá nhất của cha mẹ. Đương nhiên họ sẽ không bao giờ để con cái bước vào vùng nguy hiểm nếu bạn không chứng minh được mình có đầy đủ khả năng.
>> Học kinh tế làm gì khi không có đam mê
Tôi thấy nhiều người cứ khuyến khích người khác theo đuổi đam mê đến cùng, Đó là một lời khuyên mù quáng, rất nguy hiểm. Đam mê là cảm xúc, nhưng theo đuổi đam mê cần có lý trí. Thích vẽ là một chuyện, còn bản thân bạn có đủ khả năng theo những nghề liên quan tới vẽ hay không lại là chuyện khác. Nếu là một người có trí tưởng tượng và óc sáng tạo cao thì nghiệp vẽ không phải là lựa chọn duy nhất, mà marketing cũng rất cần những tố chất đó.
Nếu bạn vẫn cố chọn bằng được những ngành theo đam mê của mình thì ít nhất cũng phải biết được mình sẽ làm gì khi ra trường để kiếm tiền? Vì đôi khi những ngành bạn thích, tuy không chết đói nhưng để có đồng ra đồng vào ổn định cũng không phải chuyện đơn giản. Trước đây, tôi có một bài viết để xã hội quan tâm nhiều hơn tới những người sống nội tâm. Một người hướng nội nếu không đủ mạnh mẽ, quyết đoán thì rất khó để tồn tại trong một xã hội luôn gò ép con người ta phải hướng ngoại.
Đâu thể cứ nói suông là làm rồi sẽ biết? Khi dấn thân vào một vùng nguy hiểm (mà ở đây là các ngành ít có sự ổn định) thì bạn phải biết mình có gì và không có gì? Vào đó rồi, mình sẽ gặp những thử thách gì, cần phải rèn luyện những gì để vượt qua những thử thách đó và kế hoạch rèn luyện như thế nào? Có đam mê là tốt, nhưng đam mê phải đi cùng với kiến thức thì mới có thể bước đi vững chắc, chứ đam mê không làm nên tất cả.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.