"Học sinh mông lung dù được hướng nghiệp", đó là tình trạng chung đang diễn ra hiện nay. Hướng nghiệp là gì ? Bạn có chắc rằng mình thích nghề nghiệp đang làm hay không? Trên con đường của mỗi người, ai cũng có một chữ "why" (tại sao) cần phải đi tìm. Việc hướng nghiệp chỉ là một phần trong hành trình đi tìm chữ "why" đó .
Có rất nhiều người mang tiếng đi hướng nghiệp nhưng thực chất họ chẳng biết gì về ngành cả. Trong khi những kỹ năng cần có, những thứ mà chúng ta phải đối mặt khi theo ngành lại chẳng thấy ai nói cả. Nhiều người hướng nghiệp nhưng chỉ nhìn vào ngành đó rồi bảo "học đi em, sau này lương cao lắm". Đó không phải là hướng nghiệp.
Bản thân tôi là sinh viên năm cuối, chuyên ngành Cơ khí ôtô của một trường đại học ở TP HCM. Thời điểm học xong lớp 12, có rất nhiều người bảo tôi "học IT vì đó là vua của mọi nghề, lương cao lắm". Thế nhưng không ai biết rõ làm ngành này phải đánh đổi như thế nào? Mỗi ngày phải ngồi một chỗ ít nhất tám tiếng, bệnh tật, cận thị đủ thứ... Những mặt trái của nghề hầu như không ai nói với tôi cả.
Rồi có người lại bảo tôi "học ngành Cơ khí ôtô đi, sau này ôtô đầy đường, học ra tha hồ có việc làm ngay...". Nói chung, người ta thường chỉ bày ra những chiếc bánh vẽ về nghề nghiệp sau này, chứ thực chất chẳng mấy người hiểu rõ về cái ngành mà mình đang hướng nghiệp, đó là một cái sai rất lớn.
>> Con ù lỳ nhưng cha mẹ bắt học Luật
Ngành ôtô ở Việt Nam đang phát triển thế nào? Chúng ta đã sản xuất được những bộ phận gì trên ôtô? Những công ty trong ngành công nghiệp phụ trợ ở nước ta có đếm hết trên đầu ngón tay? Dây chuyền sản xuất bao năm qua có tiến bộ gì hay vẫn thế? Nghe tên ngành thì rất lớn nhưng đóng góp GDP bao nhiêu...? Đó mới là những thứ một học sinh như tôi cần được tư vấn, nhưng tiếc là lại chẳng được nghe.
Nói sâu hơn về ngành học hiện tại của mình để các bạn học sinh đang có nhu cầu tìm hiểu nắm rõ trước khi đăng ký nguyện vọng, tôi xin chia sẻ đôi điều. Đầu tiên, phải khẳng định, ngành ôtô ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, kiến thức cơ bản mà sinh viên được học chỉ là những nguyên lý hoạt động cơ bản của ôtô và một vài kiến thức về cơ và sức bền.
Vậy học ngành này sẽ ra làm ở đâu? Thứ nhất là làm bên mảng dịch vụ: sales, độ xe (đèn, màn LCD...), detatiling, cố vấn dịch vụ... Thứ hai là mảng sản xuất lắp ráp: chúng ta cũng có một vài tập đoàn sản xuất và lắp ráp lớn tuyển dụng liên tục. Thứ ba là mảng thiết kế nói chung và thiết kế cơ khí nói riêng: mảng này đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về thủy lực, cơ kết cấu, phần mềm CAD, CAE... Thứ tư là làm ở những công ty về cơ khí, xây dựng...
Quay trở lại câu chuyện về hoạt động hướng nghiệp ở các trường phổ thông, tôi thực sự thấy buồn cho hệ thống giáo dục ở ta vẫn chỉ thầy nói và trò nghe, học sinh không thể chủ động để thể hiện bản thân mình, cũng không được định hướng nghề nghiệp một cách chính xác và phù hợp nhất với những tố chất sẵn có. Đó là lý do các em vẫn cứ mông lung dù được hướng nghiệp.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.