Nguy cơ tái nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phụ thuộc loại mà người bệnh mắc phải. Một số loại STI có thể mắc nhiều lần dù đã điều trị, có những bệnh chỉ mắc một lần và nhiễm suốt đời. Một số người có miễn dịch sau khi tiêm chủng hoặc lần đầu nhiễm bệnh.
Hầu hết bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra, tương đối dễ điều trị nhưng cũng dễ tái nhiễm. Các bệnh tình dục có thể mắc phải nhiều lần gồm chlamydia, lậu, giang mai, trichomonas.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến tái nhiễm các bệnh này.
Không hoàn thành điều trị: Nếu không dùng hết thuốc kháng sinh được kê đơn, người bệnh có thể không khỏi bệnh hoàn toàn. Không uống đủ thuốc có thể gây ra các vấn đề như kháng kháng sinh, nghĩa là thuốc không còn hiệu quả trong những lần sau.
Đây là nguyên nhân khiến bệnh lậu kháng kháng sinh phát triển. Vi khuẩn lậu hiện có khả năng kháng lại nhiều biện pháp điều trị và tình trạng kháng kháng sinh một ngày nào đó có khả năng khiến bệnh này khó chữa.
Bạn tình không điều trị: Trong một mối quan hệ, nếu một người được xét nghiệm và điều trị thì người kia có thể vẫn bị nhiễm bệnh mà không biết. Điều này dẫn đến nguy cơ tái nhiễm khi quan hệ tình dục.
Quan hệ tình dục không an toàn: Người bệnh có khả năng truyền bệnh cho bạn tình. Do đó, nên tránh quan hệ hoàn toàn cho đến khi điều trị xong. Nếu không bạn tình có thể truyền lại bệnh sau khi bạn đã khỏi.
Trong khi đó, một số loại STI do virus gây ra có thể tồn tại suốt đời trong cơ thể sau khi nhiễm. Với virus u nhú ở người (HPV) hoặc viêm gan B, hệ miễn dịch khỏe mạnh có khả năng loại bỏ mà không cần điều trị.
Người hết nhiễm HPV ít có khả năng bị tái nhiễm dù vẫn có thể xảy ra. Bạn có thể tái nhiễm một chủng HPV khác. Có hơn 100 chủng HPV, trong đó khoảng 40 loại có thể ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục, trực tràng và hậu môn, gây ra những bệnh như mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung, ung thư hầu họng, ung thư dương vật...
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người), mụn rộp miệng hoặc mụn rộp sinh dục dẫn đến nhiễm trùng suốt đời. Virus có thể tồn tại âm thầm trong cơ thể nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, và người bệnh không bao giờ có thể hết nhiễm trùng hoàn toàn.
Các bệnh STI do virus rất khó hoặc không thể chữa khỏi, điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát các triệu chứng. Việc cơ thể có thể loại bỏ bệnh không hay chúng trở thành mạn tính tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm khả năng miễn dịch của người bệnh.
Người bệnh viêm gan B có khả năng miễn dịch sau khi nhiễm virus. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch bệnh này chủ yếu đạt được thông qua tiêm chủng. Các chủng HPV gây ung thư và mụn cóc sinh dục cao nhất cũng có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Để tránh nguy cơ tái nhiễm STI, nam nữ nên quan hệ tình dục an toàn bằng các hạn chế số lượng bạn tình, sử dụng bao cao su đúng cách, tránh dùng chung đồ chơi tình dục và xét nghiệm STI với bạn tình.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)