Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không thể sử dụng hormone insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, đặc trưng bởi đường huyết tăng hoặc giảm khó kiểm soát. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh tiểu đường là một trong nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Tăng insulin và yếu tố tăng trưởng giống insulin
Tình trạng kháng insulin ở người tiểu đường khiến cơ thể phải sản xuất nhiều insulin hơn nhằm duy trì đường huyết ổn định. Tuy nhiên, nồng độ insulin trong máu tăng cao có thể gây hại, bởi insulin và IGF (yếu tố tăng trưởng giống insulin IGF) có khả năng kích thích sự phân chia, phát triển của các tế bào, bao gồm cả tế bào ung thư. Quá trình này tạo điều kiện thuận lợi cho khối u đại trực tràng phát triển.
Rối loạn chức năng của mô mỡ và viêm mạn tính
Theo tiến sĩ Khanh, viêm mạn tính ở người tiểu đường có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư đại trực tràng. Tiểu đường type 2 thường đi kèm thừa cân, béo phì, viêm mạn tính. Đây đều là các yếu tố nguy cơ của nhiều loại ung thư.
Bệnh tiểu đường và béo phì tương tác lẫn nhau. Cụ thể là các yếu tố gây viêm do béo phì có thể làm suy yếu các tế bào β của tuyến tụy, tăng insulin máu và tăng đường huyết mạn tính dẫn đến béo phì nội tạng. Béo phì còn liên quan đến rối loạn chức năng của mô mỡ, đặc trưng bởi viêm mạn tính. Mô mỡ có thể hoạt động như cơ quan nội tiết, sản xuất các yếu tố gây viêm, axit béo tự do, adipokine, tăng sinh mạch, thúc đẩy khối u phát triển.
Tăng đường huyết
Tăng đường huyết làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch, giảm khả năng điều chỉnh mức độ của oxy phản ứng, thúc đẩy khối u hình thành và phát triển ở người bệnh tiểu đường. Tiến sĩ Khanh giải thích glucose là nguồn năng lượng chính cho tế bào, kể cả tế bào ung thư. Nồng độ glucose cao tạo môi trường thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển nhanh và lan rộng.
Rối loạn nhu động đường tiêu hóa
Rối loạn chức năng thần kinh tự chủ đường ruột là biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường, xảy ra ở phần lớn bệnh nhân tiểu đường type 2 không được kiểm soát. Rối loạn này khiến thời gian vận chuyển thức ăn qua ruột lâu hơn, tăng mức độ phơi nhiễm chất gây ung thư trong ruột.
Một số chất gây ung thư bao gồm axit mật, amoni và fecapentaenes-12 trong phân có thể thúc đẩy ung thư niêm mạc đại trực tràng. Hơn nữa, nồng độ axit mật trong phân cao ở người tiểu được có thể thúc đẩy khối u ác tính ở trực tràng. Axit mật thứ cấp trong ruột, chủ yếu bao gồm axit deoxycholic (DCA) và axit lithocholic (LCA), có thể làm suy yếu tính toàn vẹn về cấu trúc và chức năng của các tế bào niêm mạc đại trực tràng, gây ung thư.
Tiến sĩ Khanh khuyên người bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt đường huyết, sống lành mạnh gồm ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất thường xuyên để giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Ngoài tiểu đường type 2, nhiều yếu tố cũng làm tăng khả năng mắc bệnh này như người trên 45 tuổi, tiền sử gia đình ung thư đại tràng hoặc hội chứng Lynch, polyp tuyến gia đình, từng bị polyp. Người có lối sống không lành mạnh như ăn nhiều thịt chế biến công nghiệp, thịt đỏ, ít trái cây, lười vận động, béo phì, uống nhiều rượu, cũng có khả năng cao hơn.
Ung thư đại tràng cũng giống các loại ung thư đường tiêu hóa khác như ung thư dạ dày, ung thư gan... thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Sàng lọc ung thư qua nội soi giúp chẩn đoán, phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh hiệu quả. Bác sĩ Khanh khuyến cáo tầm soát ung thư đại tràng ở tuổi 45.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |