Một số nghiên cứu trước đây cho rằng nhiều bệnh nhân Covid-19 đã phát triển bệnh tiểu đường loại 2 sau khi nhiễm virus. Tuy nhiên một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí về bệnh tiểu đường của Mỹ gần đây phát hiện biến chứng sức khỏe này có thể chỉ tạm thời đối với một số người.
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã phân tích dữ liệu từ hơn 1.900 người mắc Covid-19 từ tháng 3 đến tháng 9/2020. Trong số những người này, 594 người (chiếm tỷ lệ 31,2%) đã mắc bệnh tiểu đường, trong khi 77 người (13%) không được chẩn đoán bệnh tiểu đường trước khi nhập viện.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra, nhiều bệnh nhân mới được chẩn đoán bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu ít nghiêm trọng hơn những người đã được chẩn đoán trước đó. Tuy nhiên, những bệnh nhân mới được chẩn đoán có các dạng Covid-19 nặng hơn.
Trong quá trình theo dõi đến tháng 7/2021, các nhà nghiên cứu nhận thấy, khoảng một nửa số người mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu trở lại bình thường hoặc được phân loại là tiền tiểu đường. Chỉ 8% trong số bệnh nhân này vẫn phải insulin để kiểm soát đường huyết sau khi nhập viện một năm.
Thời kỳ đầu của đại dịch, nhiều bài báo cho rằng bệnh tiểu đường có liên quan đến việc trầm trọng hơn Covid-19. Người đứng đầu cuộc nghiên cứu Sara Cromer (công tác tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts) chia sẻ trên tờ Verywell, nhiều nghiên cứu cho thấy điều ngược lại rằng Covid-19 có thể dẫn đến các biến chứng tiểu đường.

Người đàn ông chuẩn bị bơm tiêm insulin cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: Freepik
Tại sao Covid-19 có thể dẫn đến bệnh tiểu đường?
"Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nCoV có thể lây nhiễm sang các tế bào beta của tuyến tụy, dẫn đến giảm tổng hợp và bài tiết insulin, tương tự như bệnh tiểu đường loại một. Tuy nhiên, chúng tôi thấy nhiều bệnh nhân cần lượng lớn insulin cho thấy tình trạng kháng insulin nghiêm trọng, tương tự như bệnh tiểu đường loại hai", Cromer giải thích.
Theo tiến sĩ Cromer, các loại bệnh nặng và nhiễm trùng khác trước đây dẫn đến sự phát triển của kháng insulin hoặc khi các tế bào trong cơ thể không phản ứng tốt với insulin.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Amesh A. Adalja tại Trung tâm Y tế Johns Hopkins chia sẻ, chẩn đoán bệnh tiểu đường tạm thời được gọi là tăng đường huyết do căng thẳng và có xu hướng biến mất theo thời gian.
Theo giáo sư Thomas Russo tại Đại học Buffalo, những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tại bệnh viện mà không thấy cải thiện tình trạng có khả năng họ đã tiền tiểu đường trước khi mắc Covid hoặc bị tiểu đường nhưng không được chẩn đoán.
"Một phát hiện bổ sung trong nghiên cứu của chúng tôi là những người mắc bệnh tiểu đường mới được chẩn đoán tại thời điểm nhập viện vì Covid-19 trẻ hơn, có thể thuộc một nhóm dân số bị hạn chế tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe do các rào cản về kinh tế xã hội, có thể dẫn đến bỏ sót chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường từ trước", tiến sĩ Cromer cho biết.
Tuy nhiên, giáo sư Russo cho biết thêm, Covid-19 có thể kích hoạt sự phát triển của bệnh tiểu đường kéo dài. Các tế bào beta trong tuyến tụy sản xuất insulin có thể bị ảnh hưởng và các cơ quan có thể bị tổn thương trực tiếp do sự kết hợp của virus hoặc viêm nhiễm nào đó.
Adalja chỉ ra rằng những phát hiện của nghiên cứu còn hạn chế vì bệnh nhân sử dụng corticosteroid dexamethasone (một phương pháp điều trị Covid-19 cho bệnh nhân nhập viện) không được báo cáo. Ông cũng lưu ý rằng dexamethasone không được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh nhân nhập viện trong thời gian nghiên cứu.
Thực tế là các bệnh nhân trong nghiên cứu chỉ đến từ một hệ thống chăm sóc sức khỏe và số lượt ít cũng hạn chế kết quả nghiên cứu. Cuối cùng, các chuyên gia cho biết cần phải nghiên cứu thêm để xác định mối liên hệ giữa Covid-19 và sự phát triển của bệnh tiểu đường bao gồm cả việc nó chỉ là tạm thời hay không.
Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Kim Uyên
(Theo Verywellhealth)