Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKI Võ Đình Bảo Văn, đơn vị Nội tiết - Đái tháo đường, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính. Đường huyết tăng cao trong thời gian dài không được kiểm soát tốt gây ra nhiều biến chứng tim mạch, mắt, thận, thần kinh, chân...
Người thừa cân, béo phì, ít vận động hoặc người có tiền sử gia đình bị tiểu đường... có thể mắc bệnh này cao hơn người không có các yếu tố nguy cơ. Phòng ngừa và tầm soát bệnh tiểu đường giúp điều trị sớm, ngăn biến chứng. Nguy cơ mắc bệnh khác nhau tùy vào phân loại bệnh.
Bệnh tiểu đường type 1
Xảy ra do phản ứng tự miễn dịch, tức cơ thể tự tấn công nhầm lẫn tế bào tuyến tụy của cơ thể, làm phá hủy tế bào beta tuyến tụy dẫn đến thiếu hụt insulin.
Người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1 gồm:
- Tiền sử gia đình: Có cha mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường type 1.
- Tuổi: Bệnh tiểu đường type 1 có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên.
- Chủng tộc: Người da trắng có nhiều khả năng bị tiểu đường type 1 hơn người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha và Latinh.
- Do gene.
Tiểu đường type 2
Bệnh do cơ thể đề kháng với insulin. Người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 gồm:
- Tiền tiểu đường: Tình trạng đường huyết tăng cao hơn ngưỡng bình thường, nhưng chưa đạt ngưỡng để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Người bị tiền tiểu đường có nguy cơ cao tiến triển thành tiểu đường type 2.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Trên 35 tuổi.
- Có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường type 2.
- Ít hoạt động thể chất.
- Mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
- Tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con nặng hơn 4 kg.
Tiểu đường thai kỳ
Đây là tình trạng tăng đường huyết được chẩn đoán vào ba tháng giữa và ba tháng cuối của thai kỳ. Không tính những trường hợp người đã mắc bệnh tiểu đường nhưng không được chẩn đoán trước mang thai.
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường hết sau khi sinh con, nhưng người bệnh có tiền sử tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2. Trẻ có mẹ mắc bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ béo phì khi còn nhỏ hoặc ở tuổi thanh thiếu niên, dễ phát triển bệnh tiểu đường type 2 sau này.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ gồm:
- Từng bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Tiền sử sinh con to nặng hơn 4 kg.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Trên 35 tuổi.
- Có tiền sử gia đình bị tiểu đường type 2.
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Bệnh tiểu đường có thể do nguyên nhân khác như gene, bệnh nội tiết, bệnh lý khác.
Phòng ngừa
Yếu tố nguy cơ như tuổi, tiền sử bệnh lý gia đình không thể thay đổi được. Tuy nhiên, một số yếu tố thay đổi được góp phần làm giảm nguy cơ tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ gồm tăng cường hoạt động thể chất, ăn uống lành mạnh, giảm cân nếu bị thừa cân hoặc béo phì. Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6-12 tháng một lần để phát hiện bệnh, điều trị và phòng ngừa biến chứng sớm.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |