Hệ thần kinh ngoại biên là một phần của hệ thống thần kinh, bao gồm nhân và các dây thần kinh sọ, tế bào sừng trước tủy sống, hạch thần kinh nằm ngoài sọ não và ống sống, rễ và các nhánh thần kinh sống, đám rối thần kinh, dây thần kinh ngoại biên. Chức năng chính của hệ thần kinh ngoại biên là liên kết hệ thần kinh trung ương với các chi và cơ quan. Hệ thần kinh ngoại biên không được bảo vệ bởi xương sống, hộp sọ hay hàng rào máu não nên dễ bị tác động của độc tố và tổn thương cơ học từ bên ngoài.
Theo BS.CKII Võ Đôn (Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, bệnh thần kinh ngoại biên gây ra yếu, tê và đau ở ngoại vi như bàn tay, bàn chân và cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác như đường tiêu hóa và tuần hoàn.
Bệnh xảy ra khi các dây thần kinh bị tổn thương hoặc bị phá hủy bởi nhiều cơ chế, không thể gửi thông điệp từ não, tủy sống đến cơ, da, các bộ phận khác của cơ thể và ngược lại. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều dây thần hai bên, tổn thương đối xứng hoặc chỉ một dây thần kinh hoặc nhóm dây thần kinh tại một thời điểm.
"Hiểu về bệnh lý có thể giúp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh được các biến chứng nghiêm trọng", bác sĩ Đôn cho biết.
![Bệnh hệ thần kinh ngoại biên gây tê, đau. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/18/benh-than-kinh-ngoai-bien-1887-1647565921.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EVUOlk1_WxsOmVMYt5AbXA)
Bệnh hệ thần kinh ngoại biên gây tê, đau. Ảnh: Shutterstock
Triệu chứng
Theo bác sĩ Đôn, mỗi dây thần kinh trong hệ thống ngoại vi có một chức năng riêng biệt, vì vậy, các triệu chứng của bệnh sẽ phụ thuộc vào từng dây thần kinh ngoại vi bị ảnh hưởng.
Dây thần kinh được phân loại thành các dây thần kinh cảm giác nhận cảm giác, chẳng hạn như nhiệt độ, đau, rung hoặc chạm, từ da; các dây thần kinh vận động kiểm soát chuyển động của cơ; các dây thần kinh hỗn hợp vừa chi phối vận động vừa chi phối cảm giác; các dây thần kinh tự chủ hoặc dây thần kinh thực vật kiểm soát các chức năng như huyết áp, mồ hôi, nhịp tim, tiêu hóa và chức năng bàng quang.
Triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên cũng khá đa dạng như:
- Cảm giác bỏng rát hoặc đau buốt
- Nhức nhối hoặc đau như điện giật khi bị kích thích vùng da
- Khó ngủ vì mỏi chân và đau chân
- Mất thăng bằng và phối hợp động tác
- Yếu cơ
- Co cứng hoặc co giật cơ
- Khó khăn khi đi bộ hoặc cử động cánh tay
- Đổ mồ hôi bất thường
- Bất thường về huyết áp hoặc mạch nhanh chậm
- Da khô, xanh nhạt...
Các triệu chứng khác như yếu chi như không thể cầm vật gì được, cảm giác bàn chân bì bì hay không nhận biết khi tiếp xúc đất hay mang dép rớt và cảm thấy đau như bị dao đâm hoặc bỏng ở bàn tay, bàn chân.
Theo bác sĩ Đôn, bệnh thần kinh ngoại biên là tổn thương thần kinh do một số bệnh lý khác nhau gây ra. Trong đó, các tình trạng sức khỏe có thể gây nên bệnh thần kinh ngoại biên điển hình là các bệnh tự miễn dịch như bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp; bệnh tiểu đường; nhiễm trùng (một số bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn như bệnh Lyme, bệnh zona..); rối loạn di truyền; các khối u; rối loạn tủy xương; những căn bệnh khác như bệnh thận, bệnh gan, rối loạn mô liên kết và suy thận.
Bệnh thần kinh ngoại biên cũng có thể do các nguyên nhân khác gây nên như nghiện mạn tính, tiếp xúc với chất độc như hóa chất công nghiệp và kim loại nặng như chì và thủy ngân, do dùng một số loại thuốc, đặc biệt là những loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư (hóa trị liệu). HIV/AIDS có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh còn do tổn thương, áp lực lên dây thần kinh, thiếu hụt vitamin B, nhất là vitamin B1, B6, B12; vitamin E và niacin.
Trong một số trường hợp, ngay cả khi được đánh giá rộng rãi, nguyên nhân của bệnh thần kinh ngoại biên ở một số người vẫn chưa được biết rõ gọi là bệnh thần kinh vô căn. Bác sĩ Đôn cũng cho biết, khi mắc bệnh thần kinh ngoại biên người bệnh có thể gặp các biến chứng như:
- Bỏng và vết thương ngoài da: người bệnh có thể không cảm thấy sự thay đổi nhiệt độ hoặc cảm giác đau trên các bộ phận bị tê cóng của cơ thể.
- Nhiễm trùng: bàn chân và các khu vực khác thiếu cảm giác có thể bị thương nhưng người bệnh không biết. Bác sĩ Đôn khuyên người bệnh nên kiểm tra những khu vực này thường xuyên và điều trị những vết thương nhỏ để tránh bị nhiễm trùng, nhất là ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.
- Té ngã: yếu và mất cảm giác ở các chi có thể khiến người bệnh dễ bị mất thăng bằng và té ngã.
![Người mắc bệnh dây thần kinh ngoại biên dễ bị té ngã. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/18/than-kinh-ngoai-bien-5029-1647565921.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IxhXMMeC1TCVX6NAHuehTw)
Người mắc bệnh dây thần kinh ngoại biên dễ bị té ngã. Ảnh: Shutterstock
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên, trước tiên bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử và khám lâm sàng để đánh giá về thần kinh. Tùy thuộc vào các triệu chứng và kết quả, người bệnh có thể được làm các xét nghiệm giúp bác sĩ xác định loại bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm đo điện thần kinh - cơ, xét nghiệm máu, sinh thiết dây thần kinh, chọc dò tủy sống, chụp cộng hưởng từ.
Theo bác sĩ Đôn, hiện nay phương pháp điều trị bệnh thần kinh ngoại biên dựa trên việc điều trị chứng rối loạn tiềm ẩn. Ví dụ, nếu bệnh đái tháo đường là nguyên nhân thì cần kiểm soát tốt lượng đường huyết. Nếu nguyên nhân là do thiếu hụt vitamin thì có thể điều trị bằng cách bổ sung các loại vitamin bị thiếu hụt...
Nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và đưa người bệnh trở lại các hoạt động thường ngày như dùng thuốc kê đơn, thuốc giảm đau. Đôi khi, việc kết hợp các phương pháp điều trị cũng có thể mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất.
Bên cạnh đó, các liệu pháp thay thế huyết tương hoặc lọc huyết tương (Plasmapheresis), kích thích thần kinh điện tử xuyên da (TENS): bó bột hoặc nẹp chăm sóc thần kinh cột sống, châm cứu, mát xa, thiền, yoga hoặc tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên.
Tùy vào trường hợp bệnh cụ thể mà các phương pháp như phẫu thuật; giải ép các tổ chức xung quanh gây chèn ép thần kinh; nối, ghép và chuyển đổi dây thần kinh cũng được áp dụng điều trị.
Bác sĩ Võ Đôn lưu ý, người bệnh nên bỏ rượu và thuốc lá (nếu đang sử dụng). Cả rượu và thuốc lá đều làm trầm trọng thêm chứng đau dây thần kinh ngoại biên và có thể gây tổn thương dây thần kinh nếu sử dụng lâu dài. Thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt. Chống lại sự thiếu hụt vitamin B-12 bằng cách ăn thịt, cá, trứng, thực phẩm từ sữa ít béo. Bạn nên tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút đến một giờ mỗi buổi tập và tập ít nhất 3 lần mỗi tuần.
Giữ an toàn để tránh các tai nạn vì mất thăng bằng hoặc mất cảm giác do bệnh thần kinh ngoại biên gây ra như không đi chân đất; trong nhà không có các chướng ngại vật; kiểm tra nhiệt độ của bồn tắm hoặc nước rửa chén bằng khuỷu tay, không phải bằng bàn tay hoặc bàn chân, lắp tay vịn vào bồn tắm hoặc vòi hoa sen; sử dụng thảm tắm chống trơn trượt. Không nên ở một vị trí quá lâu, thay vào đó, người bệnh nên đứng dậy và đi lại vài lần mỗi giờ.
Phạm Quỳnh Phương