Bệnh thận mạn tính (CKD) là tình trạng thận bị tổn thương và các chức năng thận không thể hoạt động bình thường. Bệnh thận giai đoạn 4 là khi mức lọc cầu thận ước tính (eGFR) của người bệnh nằm trong khoảng từ 15 đến 29,3. Khi đó, thận đã bị tổn thương từ trung bình đến nặng và tình hình khá nghiêm trọng. Tuổi thọ với bệnh thận giai đoạn 4 có thể khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe tổng thể, các tình trạng y tế khác và việc tuân thủ các kế hoạch điều trị. Số năm ở người bệnh CKD có thể dao động từ hơn một năm đến hơn 15 năm.
Nghiên cứu năm 2012 cho thấy, cả nam và nữ giới có chức năng thận thấp, đặc biệt là dưới 30% giảm đáng kể tuổi thọ. Nghiên cứu cũng chỉ ra, phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn trong tất cả các giai đoạn của bệnh thận ngoại trừ giai đoạn 4. Ở giai đoạn này, sự khác biệt về tuổi thọ của bệnh nhân ở một số lứa tuổi chỉ chênh lệch một phần nhỏ về giới tính. Theo đó: ở tuổi 40, nam giới có thể sống thêm khoảng 10 năm và nữ giới là 9 năm, ở độ tuổi 60, với nam giới là 5,6 năm, nữ giới là 6,2 năm, độ tuổi 80, khoảng 2,5 năm với nam và 3,1 năm đối với nữ.
Như vậy, tuổi thọ của bệnh nhân mắc thận giai đoạn 4 phụ thuộc vào tình trạng bệnh, lứa tuổi bị bệnh và phương pháp điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra những khuyến cáo thụ thể để người bệnh có thể sống được lâu hơn.
Lưu ý với bệnh thận giai đoạn 4
Đây là giai đoạn nguy hiểm, chức năng thận đã bị suy giảm đáng kể nên người bệnh đôi khi sẽ gặp phải các triệu chứng trầm trọng như sưng ở bàn tay, bàn chân, đau lưng, thay đổi về thói quen đi tiểu và nước tiểu... Các biến chứng do chức năng thận suy giảm nghiêm trọng thường xảy ra ở giai đoạn 4. Điều này là do thận không thể lọc chất thải và chất lỏng dư thừa như bình thường, người bệnh có nguy cơ bị huyết áp cao, thiếu máu, bệnh về xương khớp, biến chứng tim mạch và chuyển hóa... Đặc biệt, ở giai đoạn này nếu không có biện pháp làm chậm tiến triển thì rất dễ dẫn đến suy thận. Người bệnh cũng cầnchuẩn bị cho việc lọc máu hoặc ghép thận trong trường hợp suy thận.
Không có phương pháp điều trị chữa khỏi bệnh thận mạn tính giai đoạn 4 và các biện pháp chủ yếu nhằm giúp làm chậm tiến triển bệnh và giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Điều này có thể bao gồm chế độ ăn uống và lối sống hoặc dùng thuốc kiểm soát huyết áp hoặc lượng đường trong máu.
Chế độ ăn: Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp làm chậm bệnh thận tiến triển, đồng thời giúp điều trị và ngăn ngừa các biến chứng. Có thể kể đến như hạn chế muối, tiêu thụ protein, phốt pho và kali trong chế độ ăn.
Lối sống: Thay đổi lối sống cũng có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh thận như bỏ hút thuốc, rượu, duy trì hoạt động thể chất (nếu có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa). Hút thuốc lá có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tiến triển của CKD và hoạt động thể chất có thể giúp kiểm soát lượng đường, duy trì cân nặng hợp lý.
Bên cạnh đó, người bệnh nên thường xuyên đi thăm khám để bác sĩ có thể theo dõi nồng độ máu và nước tiểu, loại trừ các biến chứng sức khỏe liên quan.
Bảo Bảo (Theo Very Well Health)