Thận có chức năng loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua đường tiểu. Cơ quan này cũng duy trì sự cân bằng ổn định của muối, kali và axit trong cơ thể và sản xuất renin, hormone giúp điều chỉnh huyết áp và các chức năng khác của cơ thể.
Tổn thương thận cấp tính (AKI) là tình trạng đột ngột mất chức năng thận thường diễn ra trong thời gian ngắn và có thể phục hồi. Trong khi bệnh thận mạn tính (CKD) là tình trạng mất dần chức năng thận trong một thời gian dài và thường do các nguyên nhân bệnh lý như tiểu đường hoặc cao huyết áp. Hai bệnh này đôi khi gây nhầm lẫn nhưng về cơ bản vẫn có những điểm khác nhau nhất định:
Nguyên nhân
Nguyên nhân AKI thường liên quan đến sử dụng thuốc, bệnh lý hoặc chấn thương làm suy giảm chức năng của thận. Tùy thuộc vào việc vấn đề xảy ra trước thận, tại thận hoặc sau thận, đa số các trường hợp bị AKI có thể phục hồi chức năng thận khi nguyên nhân cơ bản được điều trị.
Với CKD, nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh mạn tính gây ra trong đó, ba bệnh phổ biến là: huyết áp cao (có thể gây ra xơ cứng và thu hẹp các mạch máu nuôi thận), bệnh tiểu đường (lượng đường trong máu cao có thể dần dần làm hỏng các bộ lọc của thận còn gọi là cầu thận), viêm cầu thận.
Các nguyên nhân bệnh lý khác bao gồm viêm bể thận tái phát (nhiễm trùng thận thường do vi khuẩn) và viêm thận kẽ (viêm các ống thận), bệnh thận trào ngược (dòng nước tiểu chảy ngược vào thận), bệnh thận đa nang (một rối loạn di truyền gây ra sự hình thành các u nang trong thận)...
Triệu chứng
Tổn thương thận cấp tính có xu hướng phát triển nhanh chóng và gây ra một loạt các triệu chứng nghiêm trọng như: giảm nhanh đi tiểu, buồn nôn, mệt mỏi, yếu đuối, khó thở, sưng bàn chân hoặc mắt cá chân, nhịp tim không đều, đau hoặc tức ngực, đôi khi có thể là co giật. AKI đôi khi sẽ không gây ra triệu chứng và chỉ được phát hiện bằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm khi một người nhập viện hoặc được khám vì một tình trạng sức khỏe khác.
Bệnh thận mạn tính đặc trưng bởi sự mất dần chức năng của thận trong khoảng thời gian vài tháng đến vài năm. Vì sự suy giảm diễn ra từ từ nên các triệu chứng thường không rõ ràng cho đến khi thận bị tổn thương nghiêm trọng. Tại Mỹ có khoảng 37 triệu người bị CKD mỗi năm và trong số này, chỉ 1/10 biết rằng họ bị bệnh. Trên thực tế, cứ 2 người bị suy thận nặng (chức năng thận dưới 30%) thì chỉ có một người biết được tình trạng bệnh của bản thân.
Khi chức năng thận giảm, các triệu chứng của CKD có thể rõ ràng hơn bao gồm: suy nhược cơ thể, mệt mỏi dai dẳng, hơi thở có mùi amoniac, ăn uống kém, da ngứa khô, sưng bàn chân, mắt cá chân, thường xuyên tiểu đêm, khó ngủ, chuột rút cơ vào ban đêm...
Biến chứng
AKI có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như phù phổi (dư thừa chất lỏng trong phổi) và tăng kali máu (nồng độ kali trong máu cao một cách nguy hiểm). Nếu không điều trị kịp thời, việc tích tụ chất độc có thể dẫn đến suy hô hấp, rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng người bệnh.
Theo thời gian, CKD có thể dẫn đến các biến chứng như thiếu máu, bệnh tim, xương yếu, giảm khả năng sinh sản, co giật và tăng nguy cơ nhiễm trùng. CKD cũng có thể gây ra các biến chứng thai kỳ bao gồm sinh non, sinh con nhẹ cân và tiền sản giật (một tình trạng nguy hiểm tiềm ẩn đặc trưng bởi huyết áp cao). Bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 (còn gọi là suy thận) có thể dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.
Điều trị
Trong điều trị AKI, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân nằm viện và thường chủ yếu tập trung vào việc điều trị nguyên nhân cơ bản để ngăn ngừa các biến chứng. Điều này có thể bao gồm: truyền dịch qua đường tĩnh mạch, dùng thuốc lợi tiểu (để giảm phù phổi, chân hoặc bàn chân), tiêm canxi tĩnh mạch (cân bằng nồng độ kali ở những người bị tăng kali máu nặng), lọc máu. Đa số các trường hợp AKI có thể hồi phục khi nguyên nhân cơ bản được điều trị, một số có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn dẫn đến bệnh thận mạn tính và suy thận lâu dài.
Hầu như CKD không thể giúp thận phục hồi chức năng như AKI, đa số các biện pháp điều trị với mục đích chủ yếu bảo tồn chức năng thận và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Trong đó phổ biến là dùng thuốc: thuốc cao huyết áp (thuốc ức chế men chuyển), thuốc điều trị cholesterol như statin (giúp ngăn ngừa sự tích tụ của mảng bám trong động mạch thận), thuốc lợi tiểu (giúp giảm giữ nước và duy trì sự cân bằng chất lỏng), các chất kích thích erythropoietin, bổ sung vitamin D (giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương)... Những người bị bệnh thận giai đoạn cuối (chức năng thận dưới 15%) cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Bảo Bảo (Theo Very Well Health)