Bệnh thận mạn tính (CKD) gây ra tổn thương thận trong thời gian dài. Tổn thương này khiến cho thận không lọc máu tốt như bình thường và gây ra nhiều mối lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe. Có 5 giai đoạn của CKD, tùy vào mỗi giai đoạn sẽ có các triệu chứng và phương pháp điều trị khác nhau.
Giai đoạn 1
Ở giai đoạn này, thận bị tổn thương rất nhẹ. Người bệnh hầu như không có triệu chứng vì thận vẫn hoạt động ở mức 90% công suất, thậm chí tốt hơn. CKD giai đoạn đầu hầu như chỉ được phát hiện khi người bệnh đi xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ. Người bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp cũng có thể làm các xét nghiệm này vì đây là những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận mạn.
Một số điều chỉnh về lối sống có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh như: kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp (nếu bị tiểu đường hoặc cao huyết áp), duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, không sử dụng thuốc lá, tập luyện thể thao cường độ nhẹ 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày một tuần...
Giai đoạn 2
Trong giai đoạn 2, thận chỉ hoạt động từ 60 - 89% công suất bình thường. Lúc này các triệu chứng có thể không rõ ràng hoặc cơ thể cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, rối loạn giấc ngủ. Giai đoạn này người bệnh nên thăm khám sớm để phát hiện kịp thời tình trạng bệnh. Dù không có cách chữa khỏi CKD, phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm hoặc ngừng sự tiến triển bệnh.
Giai đoạn 3
Thận sẽ hoạt động từ 45 - 59% ở giai đoạn 3A và 30 - 44% ở giai đoạn 3B. Khi đó, các chất thải và chất gây hại có thể đang bắt đầu tích tụ. Bệnh thận mạn giai đoạn 3 có thể xuất hiện các triệu chứng: đau lưng, mệt mỏi, ăn không ngon, ngứa dai dẳng, rối loạn giấc ngủ, sưng bàn tay, bàn chân, đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, cơ thể yếu đi.
Giai đoạn này người bệnh có thể gặp các biến chứng nhẹ như thiếu máu, bệnh về xương khớp, huyết áp cao... Một số loại thuốc như thuốc cao huyết áp, thuốc lợi tiểu giúp giảm triệu chứng; duy trì chế độ ăn ít muối sẽ giúp giảm giữ nước, dung nạp ít protein để thận không làm việc quá tải... Bên cạnh đó, cần thăm khám và kiểm tra chức năng thận thường xuyên để bác sĩ đưa ra những điều chỉnh nếu cần.
Giai đoạn 4
Giai đoạn 4 cũng đồng nghĩa với thận đã bị tổn thương từ mức trung bình đến nặng. Thận chỉ hoạt động được trong khoảng từ 15 - 29% so với bình thường khiến cho cơ thể tích tụ nhiều chất độc hại hơn. Triệu chứng bệnh giai đoạn này thường rõ rệt như đau lưng, tức ngực, mệt mỏi, co giật cơ, chuột rút, buồn nôn và nôn, ngứa dai dẳng,... Biến chứng của bệnh thận mạn giai đoạn 4 cũng tương tự như giai đoạn 3 nhưng có thêm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Điều quan trọng là cần ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh suy thận.
Ngoài phương pháp điều trị tương tự như các giai đoạn trước, hãy thảo luận thêm với bác sĩ về việc chạy thận và ghép thận nếu có nguy cơ suy thận.
Giai đoạn 5
Thận chỉ hoạt động dưới mức 15% công suất hoặc đã bị suy thận. Khi đó, sự tích tụ của chất thải và chất độc sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đây cũng được coi là bệnh thận giai đoạn cuối. Người bệnh sẽ cảm thấy các triệu chứng tương tự như giai đoạn 4 nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn và có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ ngày cao.
Lọc máu không phải là cách điều trị bệnh thận mà là một quá trình hỗ trợ loại bỏ chất thải và chất lỏng ra khỏi máu. Có hai hình thức lọc máu là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Ghép thận cũng có thể là phương án tốt cho người bị thận mạn tính giai đoạn cuối. Thận của người bệnh sẽ được thay thế bằng một quả thận khỏe mạnh từ người hiến tặng. Người bệnh tuy không cần lọc máu nhưng sẽ phải dùng thuốc chống thải ghép (thuốc ức chế miễn dịch) trong suốt phần đời còn lại. Một khi bệnh thận mạn tiến triển thành suy thận hoàn toàn, người bệnh hầu như chỉ còn sống được vài tháng.
Bảo Bảo (Theo Healthline)