Sùi mào gà là một trong các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục phổ biến, nhưng mức độ nguy hiểm khác nhau ở nam và nữ giới.
TS.BS Từ Thành Trí Dũng, Trưởng khoa Khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho hay sùi mào gà gây xuất hiện các nốt sần sùi nhỏ, ở trong và xung quanh bộ phận sinh dục, trực tràng, môi, lưỡi... và một số cơ quan khác của cả nam và nữ. Những nốt sùi này có màu da, nâu hoặc hồng, có thể gây khó chịu, ngứa ngáy cho người bệnh.
Virus u nhú ở người HPV là nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà. Các nhóm HPV phổ biến gây bệnh sùi mào gà là HPV 16 và 18 (cũng gây ung thư cổ tử cung, dương vật, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng...). HPV 6 và 11 là nhóm gây sùi mào gà lành tính và 90% trường hợp mắc bệnh là do HPV nhóm này gây ra.
Đối với nam giới, bệnh sùi mào gà không gây nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng theo phác đồ từ bác sĩ, nam giới có nhiều nguy cơ nhiễm trùng tại bộ phận sinh dục hay lan sang các vùng da khác khi những nốt sùi vỡ ra. Lúc này, người bệnh cần tuyệt đối kiêng quan hệ tình dục, không đụng chạm mạnh vào các nốt sùi, đồng thời phối hợp tích cực với bác sĩ để đảm bảo đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Theo TS.BS Từ Thành Trí Dũng, so với nam giới, bệnh sùi mào gà gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở nữ giới hơn gồm:
Mắc ung thư cổ tử cung: Có hơn 100 chủng virus HPV khác nhau có thể gây mụn cóc sinh dục, nhưng không phải tất cả đều gây ung thư. Tuy nhiên, nếu chị em nhiễm cùng lúc nhiều chủng HPV, ít nhất 14 loại thì có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung. Thống kê cho thấy, khoảng 10,2% phụ nữ bị sùi mào gà ở cổ tử cung, 5% sùi mào gà ở âm đạo và 5% sùi mào gà ở hậu môn có thể tiến triển thành ung thư.
Ngoài ra, phụ nữ cũng có nguy cơ bị ung thư vòm họng, ung thư cổ họng... nếu mắc bệnh sùi mào gà do quan hệ tình dục không an toàn bằng đường miệng.
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Nếu chồng/bạn tình bị sùi mào gà sẽ có nhiều nguy cơ bị biến dạng dương vật gây tắc niệu đạo, tắc ống dẫn tinh... ảnh hưởng đến khả năng xuất tinh ở nam giới.
Một số nghiên cứu còn cho thấy, virus HPV trong tinh dịch có thể làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, khiến tinh trùng khó di chuyển sâu vào trong buồng tử cung để gặp trứng. Trong trường hợp tinh trùng có HPV vào gặp trứng và thụ tinh cũng làm tăng nguy cơ bị sẩy thai.
Ảnh hưởng đến thai kỳ: Khi mang thai, nồng độ hormone trong cơ thể phụ nữ tăng cao khiến các nốt mụn cóc to hơn, phát triển lan rộng hơn và dễ cọ xát với nhau gây vỡ, chảy máu. Sùi mào gà không chỉ gây khó khăn cho hoạt động tiểu tiện, mà còn làm giảm sự co giãn của mô âm đạo, ảnh hưởng đến quá trình sinh nở tự nhiên, khiến mẹ bầu khó sinh thường qua ngả âm đạo.
Trẻ được sinh ra từ mẹ bầu bị sùi mào gà cũng có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Thống kê cho thấy, dù hiếm gặp nhưng có khoảng 4/100.000 trẻ sau khi sinh bị lây nhiễm bệnh có nguy cơ bị u nhú thanh quản khiến trẻ bị khàn giọng, khóc yếu... Nếu không được điều trị hỗ trợ, bệnh tiến triển nặng có thể lan sang khí quản và phổi, gây tắc nghẽn đường thở ở trẻ.
Theo TS.BS Từ Thành Trí Dũng, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh sùi mào gà. Các biện pháp điều trị bệnh chủ yếu tập trung vào kiểm soát bệnh, giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước bệnh sùi mào gà là áp dụng biện pháp phòng ngừa thông qua tiêm vaccine HPV.
Mọi người cũng nên áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học (tăng cường chất xơ và chất đạm lành mạnh, vitamin nhóm B, C và các chất chống oxy hóa mạnh như tỏi, hành...; tránh các loại thực phẩm cay nóng, chiên rán, thực phẩm dễ gây kích ứng và không sử dụng chất kích thích...; hạn chế rượu bia, thức uống chứa caffein như trà, cà phê, soda.... Quan hệ tình dục an toàn và vệ sinh đúng cách.
Hoàng Trang