Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, với biểu hiện đặc trưng là những u nhú lành tính ở khu vực sinh dục và hậu môn. Virus gây bệnh là Human Papillomavirus (HPV), chủ yếu là hai tuýp 6 và 11. Một số tuýp có thể gây ung thư và loạn sản tế bào là 35, 33, 31, 18, 16.
Đường lây chính của sùi mào gà là quan hệ tình dục bao gồm đường âm đạo, hậu môn và miệng, nhưng cũng có không ít trường hợp bệnh lây qua việc sử dụng chung các vật dụng cá nhân. HPV có thể lây truyền từ mẹ sang con nhưng hiếm hơn.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2016, khoảng 300 triệu phụ nữ bị nhiễm HPV. Một số trường hợp xuất hiện u nhú sau vài tuần nhiễm bệnh, nhưng đôi khi kéo dài đến nhiều năm. Thời gian ủ bệnh trung bình ở nữ giới là 2,9 tháng và nam giới là 11 tháng. Trong thời gian này, người bệnh vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
Bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện, Khoa Nam học, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM cho biết, không thể loại bỏ hoàn toàn sùi mào gà vì nguyên nhân gây bệnh là do virus. Việc điều trị nhằm loại bỏ các nốt sùi, tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để chữa sùi mào gà, bác sĩ có thể dùng thuốc Podophyllotoxin (podofilox). Loại thuốc này được làm từ nhựa cây podophylum có khả năng ăn mòn, gây độc tế bào tại chỗ. Các tế bào bị nhiễm virus không thể phân chia, làm cho mô bị hoại tử, bong tróc và tiêu biến. Thuốc có tác dụng thay cho liệu pháp áp lạnh, điều trị ngoài da trên những u nhú lành tính, do đó không được dùng cho với các tổn thương bên trong như cổ tử cung, niệu đạo, vòm họng, vết thương hở, phụ nữ có thai... Thuốc gồm dạng dung dịch và kem, bôi da 2 lần/ngày, liên tiếp 3 ngày, cách quãng 4 ngày. Điều trị thành từng đợt 4-5 tuần.
Nhóm phương pháp chữa sùi mào gà thứ hai là phá hủy khối u nhú. Nốt sùi có thể được phá hủy bằng liệu pháp lạnh. Bác sĩ đóng băng tế bào nhiễm virus bằng nitơ lỏng -196oC. Khi đó, màng tế bào bị tổn thương không thể phục hồi, giúp cắt đứt quá trình phát triển các nốt sùi. Thời gian đông lạnh nốt sùi từ 5-20 giây, thực hiện 1-2 chu kỳ/lần, 1-3 lần/tuần. Thực hiện tối đa 12 tuần. Phương pháp này khá kinh tế, an toàn với cả thai phụ, hiệu quả đến 87% nhưng dễ gây đau đớn, hoại tử mô, sẹo...
Chỉ định chấm các loại axit như Trichloroacetic hay Bichloroacetic cũng thuộc nhóm phá hủy khối u nhú. Phương pháp này gây bỏng nốt sùi giúp làm sạch hiệu quả hơn, nhưng dễ phá hỏng các mô xung quanh và để lại sẹo. Bác sĩ định kỳ hàng tuần chấm thuốc vào nốt sùi. Thực hiện tối đa 10 tuần.
Một số phương pháp vật lý khác bao gồm nạo, cắt, đốt điện, đốt laser CO2... Phổ biến nhất là đốt laser CO2 do giữ được cấu trúc giải phẫu, chủ động kiểm soát độ sâu, ít gây chảy máu... Phương pháp này không áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân có nốt sùi ở gần hậu môn hoặc người có đeo máy tạo nhịp tim.
Nhóm cách chữa sùi mào gà khác là sử dụng thuốc điều hòa miễn dịch. Các thuốc này bao gồm dạng bôi, dạng tiêm. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tự thực hiện các thuốc dạng bôi, trong khoảng 8-16 tuần. Thuốc dạng tiêm sẽ được các nhân viên y tế thực hiện để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Bác sĩ Ngọc Thiện cho hay, hầu hết trường hợp chữa sùi mào gà đều được điều trị ngoại trú. Trừ một số trường hợp người bệnh bị tổn thương nhiều, nguy cơ phát sinh biến chứng cao thì cần phải nhập viện.
Để đạt hiệu quả điều trị, người bệnh đến các bệnh viện chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả, cung cấp thông tin chính xác, trực tiếp trao đổi với bác sĩ để được giải đáp mọi thắc mắc. Tuân thủ khuyến cáo, kiên nhẫn làm theo hướng dẫn vì chữa sùi mào gà cần rất nhiều thời gian, công sức. Trong thời gian điều trị cần phải kiêng quan hệ tình dục để bảo vệ vùng da đang tổn thương và tránh lây lan cho bạn tình.
Hân Thái