Trả lời:
Opioid là một nhóm thuốc giảm đau hoạt động bằng cách tương tác với các thụ thể opioid trong tế bào, khiến các tế bào giải phóng tín hiệu làm giảm nhận thức về cơn đau và tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Dựa trên hiệu quả giảm đau, opioid được phân thành opioid yếu (với thành phần như tramadol, codein...) và opioid mạnh (với thành phần như morphin, fentanyl...).
Bệnh nhân ung thư thường cần opioid để giảm đau, giảm khó thở, nhưng nhiều người có tâm lý sợ thuốc do hiểu sai về khái niệm nghiện, sốc thuốc, dẫn đến phải chịu đau đớn không cần thiết. Tuy nhiên, một số loại thuốc giảm đau cần kê đơn và dùng theo hướng dẫn, liều lượng chỉ định của bác sĩ.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, các thuốc opioid yếu được chỉ định khi người bệnh đau ở mức độ trung bình, có thể kết hợp thuốc hoặc phương pháp giảm đau hỗ trợ khác. Nếu đau không thể kiểm soát hoặc nặng, bác sĩ sử dụng opioid mạnh cho người bệnh nhằm kiểm soát đau hiệu quả hơn.
Nhóm thuốc opioid còn giảm khó thở nhờ cơ chế tác động đến hệ thần kinh trung ương, được mô tả trong các tài liệu y khoa, trong đó có Hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ của Bộ Y tế. Opioid thường được chỉ định để kiểm soát khó thở khi người bệnh không cải thiện với liệu pháp điều trị thông thường.
Mục tiêu chính của sử dụng opioid cho người ung thư là giảm nhẹ đau đớn, nâng cao chất lượng cuộc sống, duy trì sinh hoạt thường ngày và tuân thủ các liệu pháp điều trị bệnh.
Hiệu quả trong việc kiểm soát đau và khó thở, nhưng opioid có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định, như buồn nôn, nôn ói, buồn ngủ, táo bón. Hầu hết tác dụng phụ cải thiện sau khoảng một tuần, trừ táo bón. Khi dùng opioid, thông thường, người bệnh cần dùng thuốc nhuận trường để dự phòng táo bón. Một số trường hợp xuất hiện tác dụng phụ nặng hơn như dị ứng, bí tiểu, ức chế hô hấp, bệnh nhân cần các phương pháp giảm đau khác.
Liều lượng opioid được chỉ định tùy thuộc từng bệnh nhân, do ngưỡng chịu đau của mỗi người khác nhau, mức độ khó thở và các tác dụng phụ. Nếu người bệnh tuân thủ hướng dẫn thuốc và không tự thay đổi liều lượng, các biến cố nặng nề như sốc thuốc rất hiếm khi xảy ra.
Ba bạn đang điều trị ung thư gan, nếu có chỉ định phù hợp vẫn có thể dùng opioid nhằm giảm đau, kiểm soát khó thở. Tuy nhiên, bệnh nhân có rối loạn chức năng gan, lượng và khoảng cách liều opioid có thể khác biệt so với bệnh nhân chức năng gan bình thường.
Bạn cần trao đổi với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cách theo dõi khi sử dụng opioid, thông báo khi xuất hiện dấu hiệu bất thường để xử trí phù hợp.
BS.CKI Vũ Trần Minh Nguyên
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ giải đáp.