Ông Nguyễn Minh Tâm (65 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn tiến triển trên nền viêm gan B mạn tính. Người bệnh đã được dùng thuốc điều trị đích tuy nhiên sau một thời gian bệnh kháng thuốc và tiến triển như khối u to lên, chỉ số ung thư gan trong máu (PIVKA II) tăng cao hơn 50.000.
TS.BS Trần Hải Bình - Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, bệnh nhân được chụp phim và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tổng trạng, sau đó được hội chẩn đa chuyên khoa và đưa ra chỉ định điều trị bằng phương pháp truyền hóa chất động mạch gan. Với phương pháp này, bệnh nhân được đặt một cổng truyền dưới da tại vùng bẹn phải, có nối với ống thông đặt vào nhánh động mạch nuôi u gan. Sau đó, cứ 3 tuần bệnh nhân được truyền một chu kỳ hóa chất vào động mạch nuôi u gan theo phác đồ. Trải qua 4 chu kỳ hóa chất chỉ số ung thư gan trong máu của bệnh nhân giảm rõ rệt. Kết quả chụp phim kiểm tra sau điều trị cho thấy khối u đã nhỏ lại.
Theo bác sĩ Bình, người bệnh vẫn được điều trị tiếp tại bệnh viện và bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật khi có thể. Qua 4 chu kỳ truyền hóa chất, người bệnh không gặp tác dụng phụ, xét nghiệm máu và chức năng gan thận trong giới hạn bình thường.
Ung thư gan được chia làm 4 giai đoạn và mỗi giai đoạn có những phương pháp điều trị khác nhau như phẫu thuật, hóa xạ trị, nút mạch, đốt sóng cao tần... Khi bệnh ung thư gan tiến triển, khối u gan có kèm theo huyết khối tĩnh mạch cửa, không thể phẫu thuật hoặc thất bại sau điều trị nút mạch thì phương pháp truyền hóa chất động mạch gan được chỉ định.
Truyền hóa chất động mạch gan được thực hiện cho người bệnh ung thư gan lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2019. Bác sĩ Bình giải thích, các khối u gan nguyên phát được nuôi chính bằng nguồn động mạch gan. Các phương pháp trị liệu toàn thân (thuốc miễn dịch, thuốc kháng thể đơn dòng) cũng mang lại lợi ích về khả năng kiểm soát bệnh tuy nhiên chi phí cao. Phương pháp truyền động mạch gan được nghiên cứu và đưa vào áp dụng trong điều trị ung thư gan giai đoạn tiến triển cho thấy kết quả khả quan, an toàn và chi phí thấp.
Theo bác sĩ Bình, trong phương pháp truyền hóa chất động mạch gan, hóa chất được đưa trực tiếp vào khối u, tăng hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư và hạn chế tác dụng phụ lên các tế bào lành, các cơ quan xung quanh cũng như toàn cơ thể.
Trước khi chỉ định cho người bệnh sử dụng phương pháp truyền hóa chất động mạch gan, bác sĩ sẽ cho người bệnh chụp phim và các xét nghiệm cần thiết nhằm đánh giá giai đoạn bệnh, hệ thống mạch máu gan và mạch máu nuôi khối u. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ hội chẩn đa chuyên khoa với bác sĩ ung bướu, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ tiêu hóa... nhằm đánh giá và lựa chọn phương pháp phù hợp, mang lại hiệu quả nhất cho người bệnh.
Phương pháp truyền hóa chất động mạch gan giúp tiêu diệt tế bào ung thư, giảm kích thước khối u, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp điều trị bằng phương pháp này, khối u giảm kích thước, giảm giai đoạn bệnh và người bệnh có thể được phẫu thuật điều trị triệt căn.
"Giống như các phương pháp điều trị ung thư khác, người bệnh điều trị bằng phương pháp truyền hóa chất động mạch gan cũng có thể gặp các tác dụng phụ như mệt mỏi, chán ăn, tăng nhẹ men gan... Tuy nhiên, đây là phương pháp có tỷ lệ đáp ứng tốt, hiệu quả và ít tác dụng phụ, hầu như không gặp biến chứng nặng cho người bệnh", bác sĩ Bình cho biết.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Anh Chi