Sau khi sinh con, em thấy một cục màu hồng nằm ngay ở cửa âm đạo, nếu ngồi xổm thì nó thò ra mép cửa âm đạo. Dấu hiệu này có phải em bị sa âm đạo không? Hiện tại, em mang thai bé thứ hai, nếu bị sa âm đạo thì có sinh thường được không? (Mỹ Hương)
Trả lời:
Mang thai nhiều lần, mang thai to là nguyên nhân dẫn đến sa sàn chậu ở người phụ nữ. Khi sinh con các cơ ở sàn chậu bị tổn thương như giãn nhão hoặc đứt gãy các tấm cân cơ. Bên cạnh đó, các thành âm đạo ở phía trước bị đẩy ra phía ngoài làm cho thành âm đạo bị sa xuống. Tình trạng bạn mô tả khả năng cao bạn đã bị sa âm đạo. Khối sa ở thành âm đạo thường không ảnh hưởng đến việc sinh thường. Tuy nhiên có khả năng trong quá trình sinh khối sa có thể làm tổn thương thành âm đạo.
Mang thai gần làm tăng nặng tình trạng sa âm đạo. Để sinh nở thuận lợi, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và đánh giá mức độ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn để bạn tập phục khối sa. Việc tập sàn chậu khi đang mang thai có nhiều lợi ích.
Ở tuần thai thứ 16 đến 20, nếu quá trình khám thai không có các chống chỉ định như tim mạch, bệnh lý nội khoa không cho vận động hoặc các vấn đề về dọa sẩy thai thì chị em phụ nữ có thể tham gia các lớp tập sàn chậu. Tập sớm sẽ giúp săn chắc sàn chậu, tránh sa âm đạo, ngăn ngừa són tiểu sau sinh hoặc nếu quá bận sau khi sinh xong, bạn nên đi khám đánh giá càng sớm càng tốt.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Nguyễn Phương An
Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM