Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh trên da trông giống như vết đốm hoặc vết bẩn. Vùng da bị ảnh hưởng có thể bị ngứa, sần sùi (sừng hóa), có thể có mùi hôi, không rửa hay loại bỏ được.
Người mắc bệnh gai đen thường bị da khô, bong tróc do da kém đàn hồi và mất nước, làm tăng khả năng nhiễm trùng, viêm nhiễm.
Nguyên nhân
Kháng insulin: Người béo phì và tiểu đường type 2 thường có mức đường trong máu cao, cơ thể khó tiếp nhận insulin - hormone có vai trò điều chỉnh mức đường trong máu. Kháng insulin có thể tác động tiêu cực đến tuần hoàn máu, gây tích tụ các chất thải và chất béo dưới da, kích thích tăng trưởng các tế bào sừng hình thành gai đen.
Viêm nhiễm: Người béo phì và tiểu đường thường có hệ miễn dịch yếu, dễ bị vi khuẩn và nấm tấn công, trong đó có vi khuẩn gây viêm nhiễm da. Tổn thương da do viêm nhiễm lâu ngày khiến vùng da chuyển màu đen, thay đổi bất thường.
Bệnh gai đen có thể xảy ra do dùng thuốc chứa nhiều corticosteroid, thuốc nội tiết hoặc liên quan đến bệnh tuyến giáp, lupus ban đỏ hệ thống, rối loạn tuyến yên...

Bệnh gai đen thường xuất hiện ở người thừa cân, béo phì. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Biến chứng
Gai đen là bệnh ngoài da nhưng có thể lan rộng ra các vùng da lân cận, gây ra tình trạng sừng trên mắt, môi, khuôn mặt; tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh tuyến giáp, thận, gan, trực tràng...
Điều trị
Quá trình điều trị rối loạn sắc tố trong bệnh gai đen khá khó khăn. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh gai đen bị béo phì giảm cân phù hợp bằng cách ăn uống hợp lý kết hợp tập thể dục, thể thao hoặc dùng thuốc nếu cần thiết. Nếu kiểm soát tốt và đưa cân nặng về mức bình thường, người bệnh có thể cải thiện được tình trạng đề kháng insulin và rối loạn màu sắc da.
Người bệnh có thể thoa kem theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để làm sáng và mềm vùng da bị ảnh hưởng. Sử dụng loại xà phòng có tính chất kháng khuẩn tốt, chà nhẹ nhàng giúp tránh gây cọ xát vùng da bị tổn thương, khiến bệnh nặng hơn.
Đức Hạnh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |