Hạch Kikuchi còn gọi là bệnh Kikuchi-Fujimoto hoặc viêm hạch hoại tử, xuất hiện chủ yếu ở vùng cổ, một số trường hợp ở nách hoặc bẹn, là bệnh lành tính.
Y văn thế giới ghi nhận hạch Kikuchi lần đầu năm 1972 tại Nhật. Đến năm 2014, có 590 trường hợp được ghi nhận trên thế giới, hiện chưa có thống kê cụ thể song được cho là bệnh hiếm gặp. Bệnh xảy ra ở nữ nhiều hơn nam với tỷ lệ 4:1. Trong đó đa số là lớn tuổi, ít khi xuất hiện ở trẻ. Theo Tạp chí Ung thư học Việt Nam đến năm 2020, có ba trường hợp được báo cáo tại nước ta. "Bé Trí là trường hợp đầu tiên ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh", BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, nói.
Một tháng trước, cổ bé Trí xuất hiện khối u kích thước khoảng 2 cm. Khi u to gấp 4 lần, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM xét nghiệm và chụp X-quang, MRI, bác sĩ nghi ngờ lymphoma hoặc hạch lao, kê đơn thuốc kháng sinh và kháng viêm uống. Sau ba ngày, bệnh nhi kháng thuốc, khối u tiếp tục sưng to hơn chiếm 1/2 vùng cổ gây đau, bác sĩ phẫu thuật bóc tách hạch và sinh thiết tìm nguyên nhân.
Ngày 20/1, bác sĩ Trọng cho biết hạch của bé Trí ở vùng cổ tập trung nhiều mạch máu lớn, dễ gây tổn thương các hạch bạch huyết nên nguy cơ cao dẫn đến tụ dịch sau mổ. Song bệnh nhi cần được phẫu thuật vì hạch sưng to và gây đau.
Khối hạch được bác sĩ bóc trọn trong 120 phút. Kết quả giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch kết luận bé Trí bị viêm hạch Kikuchi. Sau mổ, bé điều trị bằng corticoid kết hợp kháng sinh. Sau 5 ngày, sức khỏe bé ổn định, được xuất viện và tái khám theo chỉ định.
Nếu bệnh không được điều trị đúng, hạch tăng kích thước, gây sưng đau, nhiễm trùng máu hay giảm bạch cầu. Trẻ mắc bệnh thường có dấu hiệu sưng ở cổ, nách, bẹn, sờ thấy cứng kèm sốt nhẹ, đổ mồ hôi vào ban đêm, phát ban, đau họng, đau đầu, sụt cân, giảm bạch cầu...
Bệnh dễ nhầm với các bệnh lý khác như ung thư hạch ác tính. Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Một số nghiên cứu cho rằng bệnh có thể do virus, các yếu tố lây nhiễm hoặc hệ miễn dịch của cơ thể tự động kích hoạt khi hạch bạch huyết bị tấn công, điển hình là Epstein-barr virus, Herpesvirus type 6, B19 parvovirus, Cytomegalovirus...
Bệnh chưa có phương pháp điều trị cụ thể, bác sĩ thường hỗ trợ triệu chứng bằng thuốc corticoid hoặc nonsteroid. Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, bác sĩ có thể dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Ngoài bệnh Kikuchi, viêm hạch bạch huyết vùng đầu mặt cổ có nhiều nguyên nhân như do lao, nhiễm Epstein-barr virus, Cytomegalovirus, HIV, Toxoplasma hay giang mai... hoặc bệnh ác tính như Lymphoma. Trẻ có các dấu hiệu bất thường, cần đưa đến các cơ sở y tế khám, xét nghiệm chuyên sâu để được bác sĩ chẩn đoán bệnh.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |