Anh Lê Phong Bảo (bố bé) cho biết, khi con được 3 tuần tuổi, vùng rốn có khối phồng to. Khối này xuất hiện rõ hơn khi bé khóc, vặn mình hoặc khi đi tiêu. Thấy khối phồng trên bụng con to dần, gia đình lo lắng nên đưa bé đi khám.
Ngày 30/6, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, bác sĩ Ngoại Nhi - Ngoại Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP HCM, đánh giá bệnh nhi có thể tích khối thoát vị lớn so với thể tích ổ bụng. Các bé sơ sinh phát hiện thoát vị rốn có thể điều trị bảo tồn nếu đường kính lỗ thoát vị nhỏ hơn 1,5-2 cm, nhưng bệnh nhi này có đường kính khá to (hơn 5 cm), ruột non ra vào thường xuyên qua lỗ thoát vị, làm tăng nguy cơ kẹt, nghẹt hay tắc ruột.
Các bác sĩ nhận định, tình trạng bé để lâu sẽ gây khó khăn khi phẫu thuật về sau. Đồng thời, khối thoát vị mất thẩm mỹ, khiến bé gặp khó khăn khi sinh hoạt như mặc áo quần. Tình trạng có thể nặng hơn khi bé mắc bệnh táo bón, viêm đường hô hấp, ho, rặn nhiều gây áp lực lên thành bụng.
Bé trai được phẫu thuật mở một đường nhỏ ngay dưới rốn, đưa tạng thoát vị là ruột non vào ổ bụng, sau đó khâu cân cơ phục hồi thành bụng. Rốn được tái tạo kèm vết mổ nhỏ đảm bảo tính thẩm mỹ. Hai giờ sau ca mổ, bé hồi tỉnh, sức khỏe dần ổn định và xuất viện trong ngày.
Bác sĩ Trọng cho biết thêm, thoát vị rốn xảy ra vào khoảng 20% ở trẻ đủ tháng, ở trẻ sinh non có thể lên đến 75%. Dị tật bẩm sinh này khiến các cơ thành bụng yếu không khép kín được lỗ rốn. Tùy theo kích thước của lỗ rốn sẽ có một hoặc nhiều cơ quan trong ổ bụng trồi ra ngoài. Phần lớn trẻ bị trồi ruột qua lỗ rốn, nhiều trường hợp nặng có thể trồi cả gan, dạ dày. Biến chứng nguy hiểm nhất là khối thoát bị thắt nghẹn, các cơ quan trong túi bị thắt lại, dẫn đến hoại tử.
Thông thường, trẻ không cần phẫu thuật đến 4-5 tuổi nếu khối thoát vị dưới 1,5 cm và không triệu chứng. Bác sĩ chỉ can thiệp khi trẻ có các biến chứng của thoát vị như gồm kẹt, nghẹt hoặc vỡ.
Đị tật bẩm sinh này có thể phát hiện trong thai kỳ hoặc vài tuần đầu sau sinh. Phụ huynh quan sát rốn trẻ, thấy khối phồng to vùng rốn thì cần đưa trẻ đi khám sớm.
Tuệ Diễm