Tình trạng này xảy ra khi thân dương vật, quy đầu ẩn dưới lớp da, mô mỡ hoặc mô xung quanh vùng mu. Bệnh thường kèm theo hẹp bao quy đầu, khiến trẻ khó tiểu tiện.
Ngày 29/11, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh lý này thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật Lipszyc. Đây là kỹ thuật bảo tồn, không cắt bỏ toàn bộ bao quy đầu mà chỉ cần rạch và tạo hình.
Êkíp gây mê toàn thân kèm tê tại chỗ cho bệnh nhi, đặt thông tiểu để tránh làm tổn thương cơ quan sinh dục trong quá trình can thiệp. Bác sĩ rạch một đường nhỏ loại bỏ lớp mỡ hoặc mô thừa ở vùng mu, đưa dương vật ra khỏi vị trí bị chôn vùi. Cuối cùng êkíp rạch và mở rộng bao quy đầu để khâu tạo hình. Hậu phẫu, bệnh nhi tỉnh táo, ăn uống bình thường, được tiếp tục giữ thông tiểu một ngày để hỗ trợ đi vệ sinh và xuất viện sau ba ngày.
Theo bác sĩ Trọng, nguyên nhân gây ra tình trạng này không rõ ràng. Dây chằng quanh dương vật không phát triển đầy đủ khiến bộ phận này bị tụt vào vùng mô xung quanh, do da vùng mu dày hoặc lớp mỡ dư thừa, thiếu da. Một số trẻ béo phì, sau cắt bao quy đầu, viêm nhiễm hoặc chấn thương làm xơ hóa mô quanh cơ quan sinh dục.
Phụ huynh có thể kiểm tra bằng mắt thường khi thấy trẻ có dấu hiệu dương vật vùi trong da. Nên đưa trẻ đi khám nếu khó vệ sinh cá nhân. Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa vào các biểu hiện lâm sàng nhằm phân biệt với bệnh lý dễ nhầm lẫn như dính da dương vật bìu, bao quy đầu phình to, dương vật nhỏ do giảm sản các thể hang (còn gọi là tạng cương).
Bệnh này không được điều trị có thể khiến trẻ khó chăm sóc vệ sinh vùng quy đầu gây nhiễm trùng tiểu, xơ hóa da vùng sinh dục, ảnh hưởng tâm lý khi lớn lên. Đây không phải bệnh lý ngoại khoa cần can thiệp ngay, có thể kết hợp thoa thuốc, nong da quy đầu và giảm cân nếu trẻ thừa cân, béo phì. Độ tuổi phù hợp nhất để phẫu thuật là khi trẻ tròn một tuổi. Phẫu thuật sớm giúp giảm biến chứng, tiểu tiện bình thường.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |