Ngày 30/12, BS.CKI Võ Thị Minh Tuyền, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ngoài triệu chứng viêm đường hô hấp, bé Khang còn bị cứng cổ (co cứng cơ khiến khó cúi gập cổ) là dấu hiệu điển hình của viêm màng não. Bé được xét nghiệm và chọc dò não tủy, kết quả ghi nhận tế bào bạch cầu trong máu đến 16.000, trong dịch não tủy là 279.000 tế bào (bình thường đều dưới 10.000). Đạm trong dịch não tủy trên 1 mg/mL (bình thường dưới 0,4 mg/mL).
Bác sĩ Tuyền chẩn đoán bé bị viêm màng não mủ chưa xác định nguyên nhân gây bệnh, điều trị kết hợp hai loại kháng sinh phổ rộng, truyền thuốc 6 lần một ngày. Sau hai ngày, bé đáp ứng thuốc, hết sốt, giảm đau đầu, nôn ói. Phác đồ điều trị viêm màng não thường kéo dài khoảng 2-3 tuần, bé cần nằm viện theo dõi thêm phòng trường hợp kháng thuốc.
Viêm màng não mủ có tỷ lệ tử vong cao, dễ gây di chứng nặng về thần kinh, vận động, theo bác sĩ Tuyền. Thời gian ủ bệnh thường 2-10 ngày tùy thuộc vào tác nhân gây ra bệnh. Trẻ trên 18 tháng bị viêm màng não mủ thường có thêm dấu hiệu cứng cổ, sốt, quấy khóc, bỏ bú hay tiêu chảy, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường.
Viêm màng não mủ và viêm phổi thường diễn ra cùng một lúc bởi đây là hai bệnh lý do phế cầu khuẩn (Streptococcus Pneumoniae) gây ra. Loại vi khuẩn này khu trú tại vùng mũi - họng, có thể đi từ phổi vào máu lên não và gây viêm màng não. Trẻ không được điều trị kịp thời có thể bị điếc, chậm phát triển, suy giảm trí nhớ, suy thận, động kinh... Do đó, khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện để khám.
Để phòng ngừa bệnh cho trẻ, phụ huynh cần đeo khẩu trang và giữ ấm cơ thể cho trẻ khi ra ngoài. Phụ huynh vệ sinh cơ thể cho bé sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ngủ đủ giấc. Trẻ nên vận động thể thao, ăn uống đủ chất để tăng cường hệ miễn dịch. Cha mẹ cần cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch trong những năm đầu đời.
Đình Lâm
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |