Trả lời:
Viêm da tiết bã hay viêm da dầu là bệnh mạn tính, khó điều trị dứt điểm. Ở trẻ em, viêm da tiết bã thường xuất hiện trên vùng đầu, với mảng da mỏng, màu vàng nhạt, vàng nâu hoặc nâu đen, hơi sần. Các dấu hiệu khác như mảng da bám chặt vào da đầu và chân tóc; tổn thương da nhưng không gây ngứa, sưng viêm, đau nhức hay nóng rát.
Với người trưởng thành, bệnh xuất hiện tại những vùng da có nhiều dầu như vùng chữ T (cánh mũi, trán), sau tai, cung mày, cổ và ngực. Khác với trẻ nhỏ, viêm da tiết bã ở người lớn thường kéo dài, biểu hiện qua những nốt ban đỏ hồng, bề mặt có vảy bong, nhờn dính. Tình trạng viêm còn ảnh hưởng đến vùng bẹn, dưới ngực, nách và cổ, xuất hiện những thương tổn đi kèm với viêm nang lông.
Bệnh dễ tái phát, nhất là khi gặp điều kiện khí hậu và môi trường thuận lợi. Bệnh không thể tự khỏi nếu không điều trị đúng cách. Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau.

Da viêm với những mảng đỏ. Ảnh: Freepik
Để điều trị viêm da tiết bã, bác sĩ sẽ kê toa thuốc bôi để giảm mức độ tổn thương da. Tình trạng viêm nặng, lan rộng sẽ được chỉ định thêm thuốc uống. Trường hợp nặng, kéo dài và sử dụng thuốc ít hiệu quả có thể được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng nhằm làm sạch vảy, cải thiện tình trạng da.
Ngoài điều trị bằng thuốc, cần chú ý chăm sóc da đúng cách để cải thiện các triệu chứng của bệnh. Giữ da luôn sạch sẽ, khô thoáng; vệ sinh da với nước thường xuyên để làm sạch vảy bong, giảm dầu thừa. Dùng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ từ 2-3 lần một ngày nhằm làm mềm da và giảm hoạt động tăng sinh tế bào chết. Không dùng sữa tắm có độ pH cao, chứa các thành phần dễ gây kích ứng.
Chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, tránh căng thẳng. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Sử dụng thuốc uống và thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ.
BS.CKI Võ Thị Tường Duy
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM