Ngày 31/7, TS.BS Nguyễn Thị Yến Thu, Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khối u kích thước tương đương quả trứng ngỗng, nằm ở buồng trứng bên phải của bé gái. Ê kíp phẫu thuật cấp cứu tháo xoắn, bóc tách u. Sau mổ, sức khỏe bé ổn định, được xuất viện sau ba ngày điều trị.
Thông thường u buồng trứng kích thước hơn 5 cm phải phẫu thuật. Trường hợp này, bé gái có u buồng trứng to, kích thước 8x8x9 cm. Mẹ bé cho biết con gái bất ngờ đau bụng sau bữa cơm tối 24/7, sau khi uống thuốc giảm đau, bé ngủ ngon. Khoảng 5 giờ sau, bé đau bụng dữ dội, vào viện cấp cứu.
Theo bác sĩ Thu, u buồng trứng ở trẻ có thể do tế bào mầm u nang buồng trứng có sẵn trong cơ thể mẹ truyền sang con khi mang thai. Mẹ rối loạn nội tiết hoặc mắc bệnh phụ khoa có thể gây u nang buồng trứng ở trẻ khi còn là bào thai.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, trẻ tăng cân đột ngột, dậy thì sớm cũng là nguyên nhân. Thời điểm dậy thì, bé gái có những thay đổi về nội tiết, tạo điều kiện để khối u hình thành. Bệnh nhi này được phát hiện u buồng trứng khi cơ thể có biểu hiện dậy thì, cao 1,5 m, nặng 50 kg, ngực phát triển.
Dấu hiệu cảnh báo là đau bụng, sốt, buồn nôn, dễ nhầm lẫn với bệnh tiêu hóa, ngộ độc, viêm dạ dày. Do đó, trẻ có dấu hiệu đau bụng bất thường cần vào viện khám ngay.
Buồng trứng bị xoắn quanh dây chằng, không nhận đủ máu nuôi dẫn đến sung huyết. Người bệnh đau bụng dữ dội, nôn ói. Biến chứng nguy hiểm nhất là hoại tử buồng trứng, phải cắt bỏ, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
U xoắn buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra với phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi. Nguyên nhân do ống dẫn trứng dài, u buồng trứng to di động, can thiệp hỗ trợ sinh sản, mang thai.
Tuệ Diễm
Độc giả có câu hỏi về bệnh trẻ em có thể đặt câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.