Trúc sinh đủ tháng, chào đời nặng 3,8 kg. Gia đình không ai mắc bệnh tim, mẹ không phát hiện bất thường trong thai kỳ.
Bác sĩ khám sàng lọc chích ngừa cho bé lúc hai tháng tuổi phát hiện bé có âm thổi ở tim. Kết quả siêu âm tim tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận lỗ thông liên nhĩ lớn kích thước 11 mm chưa biến chứng. BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy, khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, cho biết bé chưa có chỉ định đóng lỗ thông, tái khám theo dõi định kỳ.
Thông liên nhĩ là bệnh lý tim bẩm sinh với sự xuất hiện một lỗ thủng giữa hai buồng tâm nhĩ (ngăn trên của tim). Theo bác sĩ Thủy, lỗ thông kích thước nhỏ (dưới 5 mm) có khả năng tự đóng. Lỗ thông lớn hơn không biểu hiện triệu chứng, chưa gây ra vấn đề sức khỏe thì không cần phẫu thuật, theo dõi thêm. Trường hợp xuất hiện biến chứng như giãn buồng tim phải, chậm tăng cân, suy tim, cần can thiệp kịp thời.
6 tháng sau, Trúc chậm tăng cân, thường xuyên viêm đường hô hấp, ăn uống kém. Lúc bé 11 tháng tuổi, bác sĩ siêu âm tim phát hiện buồng tim phải của bé giãn lớn hơn lần trước. "Lỗ thông liên nhĩ đã gây biến chứng, cần can thiệp sớm cho bé", bác sĩ Thủy nói.
![Các bác sĩ đóng lỗ thông trong tim cho bé bằng phương pháp can thiệp qua da ít xâm lấn. Ảnh: Ngọc Hà](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/13/image001-1739414382-5272-1739414721.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pVEIqol3cY8HJBJdO5x1Cw)
Các bác sĩ đóng lỗ thông trong tim cho bé bằng phương pháp can thiệp qua da ít xâm lấn. Ảnh: Ngọc Hà
Cùng điều trị cho bé Trúc, BS.CKII Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá đây là ca can thiệp phức tạp do bé Trúc chỉ nặng 8,4 kg, lỗ thông hơn 10 mm, cần chọn loại dù lớn để bít hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh nhi nhẹ cân, nếu dùng loại dù quá lớn dễ chèn ép các cơ quan lân cận gây hở van 2 lá, hở van 3 lá. Nhĩ phải của bệnh nhi còn bị giãn lớn làm cho nhĩ trái nhỏ đi, gây khó khăn khi thao tác do không gian buồng tim chật hẹp.
Êkíp sử dụng dù nhỏ nhất (đường kính 12 mm) để vừa bít trọn lỗ thông vừa không gây tổn thương van tim. Suốt quá trình can thiệp, sự hướng dẫn của hình ảnh X-quang và siêu âm tim qua thực quản giúp bác sĩ thao tác chuẩn xác. Sau 45 phút, thủ thuật kết thúc thành công. Siêu âm tim kiểm tra sau thủ thuật cho thấy lỗ thông được bít kín, không chèn ép các cấu trúc lân cận. Bé xuất viện một ngày sau đó.
![Ba mẹ đưa Trúc tái khám với bác sĩ Phúc một tuần sau can thiệp. Ảnh: Đình Lâm](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/13/image003-1739414454-6394-1739414721.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HSbzxpx5TTc_4nGvVNPR_g)
Ba mẹ đưa Trúc tái khám với bác sĩ Phúc một tuần sau can thiệp. Ảnh: Đình Lâm
Theo bác sĩ Phúc, bít dù thông liên nhĩ là lựa chọn hàng đầu cho các trường hợp thông liên nhĩ có cấu trúc giải phẫu phù hợp. Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn với nhiều ưu điểm như an toàn, ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng, người bệnh nhanh hồi phục, không mở ngực nên không để lại sẹo. Trẻ có thể sinh hoạt bình thường ngay sau can thiệp. Nếu bít lỗ thông thành công và có chế độ chăm sóc tốt, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn và phát triển bình thường.
Có thể ngăn ngừa phần nào bệnh tim bẩm sinh nhờ tiêm ngừa bệnh Rubella (sởi Đức), tránh uống thuốc không do bác sĩ chỉ định trong ba tháng đầu thai kỳ, không sử dụng rượu, ma túy khi có thai... So với các bệnh tim bẩm sinh khác, thông liên nhĩ thường được chẩn đoán trễ hơn. Bác sĩ Thủy cho biết bé Trúc được phát hiện sớm vì có triệu chứng sớm do lỗ thông lớn. Nếu trẻ xanh xao, hay vã mồ hôi, tay chân lạnh, chậm tăng cân, thở nhanh, khò khè, viêm đường hô hấp tái lại nhiều lần, phụ huynh nên đưa con khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh ở các cơ sở y tế chuyên sâu.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |