Bé Ánh nặng 65 kg, cùng bố điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Hai bố con sốt cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... Một tuần trước, mẹ bé cũng được theo dõi tại bệnh viện.
Sức khỏe người bố ổn định, riêng bé Ánh sốt cao 39-40 độ, khó hạ. Đến ngày thứ 5, bé hết sốt nhưng huyết áp giảm còn 90/70 mmHg. Tiểu cầu của bé hạ xuống dưới 10.000 micro lít máu (bình thường 150.000-400.000), chảy máu mũi không cầm máu được.
Ngày 9/11, BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, khoa Nhi, cho biết thông thường chênh lệch huyết áp tâm thu và tâm trương phải trên 20 mmHg. Huyết áp bằng hoặc dưới mức này còn gọi là huyết áp kẹp khiến tim bơm máu kém, tuần hoàn giảm hoặc ứ trệ, có thể dẫn đến suy tạng (tim), phải cấp cứu. Bệnh nhi sốc do sốt xuất huyết nặng, cần truyền dịch chống sốc, cầm máu và truyền thêm tiểu cầu. Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe ổn định, bé xuất viện.
Trẻ sốt xuất huyết có thể trở nặng trong vài giờ, thời điểm sốc thường ở ngày thứ 3-5 của bệnh với các triệu chứng li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh, tụt huyết áp. Trường hợp nặng, trẻ chảy máu cam ở mũi, vùng kín hoặc xuất huyết nội tạng.
Bác sĩ Trang dẫn nghiên cứu đăng trên tạp chí PubMed năm 2019 tại Bệnh viện Đa khoa Wangaya (Indonesia) cho thấy tỷ lệ trẻ sốt xuất huyết có sốc, mắc béo phì chiếm gần 41%.
Theo một nghiên cứu khác của các nhà khoa học đăng trên tạp chí PubMed, có 4 lý do chính khiến trẻ béo phì dễ chuyển biến nặng khi sốt xuất huyết.
Trong đó, béo phì làm giảm men AMP-Protein Kinase (AMPK) dẫn đến sự tích tụ lipid trong nội bào tạo điều kiện cho virus nhân hai. Thứ hai, các hormone sản xuất adipokine gây viêm kéo dài ở người béo phì có thể gây ra rối loạn chức năng nội mô và tiểu cầu, dễ xuất huyết. Ngoài ra, béo phì dễ dẫn đến rối loạn chức năng nội mô và viêm mạn tính. Hoặc thừa cân quá nhiều cũng tác động lên quá trình điều hòa miễn dịch làm giảm chức năng tế bào NK, phản ứng của tế bào B và T, đồng thời tăng khả năng xử lý trước các phản ứng cytokine gây viêm mạnh hơn sau khi nhiễm virus.
Theo ThS.BS Vương Ngọc Thiên Thanh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ngoài bệnh nhi béo phì, trẻ nhũ nhi (chiếm 1/3 tổng số ca nhập viện) cũng có nguy cơ trở nặng do mắc sốt xuất huyết.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM ghi nhận từ đầu năm đến nay thành phố có hơn 15.000 ca sốt xuất huyết. Tuần qua thành phố ghi nhận 422 ca, tăng 9,6% so với trung bình 4 tuần trước.
Số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết tại TP HCM luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong những năm gần đây. Giai đoạn 2018-2022, số ca sốt xuất huyết chiếm 48% trong tổng số 6 bệnh truyền nhiễm có số mắc cao nhất thành phố như tay chân miệng, thủy đậu, sởi, tiêu chảy, quai bị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2023-2024, tình trạng biến đổi khí hậu với hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản và làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi như sốt xuất huyết. Thời tiết nắng nóng kết hợp cùng mưa giông tạo điều kiện cho muỗi phát triển và tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo người dân không nên chủ quan vì dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp. Hiện, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu. Sốt xuất huyết đã có vaccine phòng bệnh nhưng chưa được cấp phép sử dụng ở Việt Nam. Trong đó, vaccine của Tập đoàn Takeda (Nhật Bản) đã được cấp phép tại hơn 30 quốc gia. Hệ thống tiêm chủng VNVC dự kiến phân phối vaccine sốt xuất huyết này nếu được cấp phép sử dụng tại nước ta.
Tuệ Diễm
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi
20h ngày 10/11, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Cúm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ lúc giao mùa" phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ khoa Nhi của bệnh viện và Trung tâm tiêm chủng VNVC tham gia gồm BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, BS Bùi Thanh Phong. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây. |