Bé Linh (5 tháng tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) ho nhiều, biếng ăn, quấy khóc. Gia đình thấy có khối phồng cứng ở vùng bẹn, nghĩ là viêm hạch. Một ngày sau, tình trạng không cải thiện, khối phồng nổi rõ khi bé ho, khóc to. Bé được đưa đến bệnh viện Tâm Anh thăm khám.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, khoa Ngoại Tim mạch - Ngoại nhi, cho biết: "Bé Linh có khối phồng nhìn giống như hạch hay áp xe bẹn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là biểu hiện của thoát vị bẹn. Chỉ có 10% trường hợp thoát vị bẹn xảy ra ở bé gái nên rất dễ bỏ sót, điều trị chậm trễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng".
Khối thoát vị chính là buồng trứng. Nếu không kịp thời can thiệp để đưa buồng trứng về đúng vị trí sẽ bị hoại tử, buộc phải cắt bỏ, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé sau này.
Bác sĩ Trọng cùng êkip mở một đường nhỏ ở bẹn của bệnh nhi, đẩy mô thoát vị là buồng trứng trái vào lại trong bụng, sau đó cắt cột túi chứa. Ca mổ diễn ra trong 30 phút. Bệnh nhi sinh hoạt bình thường chỉ vài giờ sau mổ, xuất viện ngay trong ngày, vết mổ thẩm mỹ.
Bác sĩ Trọng thông tin, nhiều trường hợp lầm tưởng thoát vị bẹn là viêm hạch, áp xe bẹn nên đến bệnh viện muộn. Lúc này, khối thoát vị đã hoại tử nặng, dù trẻ được phẫu thuật nhưng không thể phục hồi. Với trường hợp bé Linh, chỉ cần đến bệnh viện chậm 1-2 ngày, khả năng sẽ bị nghẹt hoặc xoắn mạch máu nuôi dẫn đến hoại tử phải cắt bỏ buồng trứng.
Thoát vị bẹn là dị tật bẩm sinh do ống phúc tinh mạc không đóng kín khi trẻ chào đời. Do đó, các cơ quan trong ổ bụng của bé (như ruột, mạc nối lớn) có thể đi qua lỗ thông, gây thoát vị. Ở trẻ nam, thoát vị bẹn biến chứng có nguy cơ gây hoại tử ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, lâu dài tổn thương tinh hoàn, ảnh hưởng chức năng sinh tinh. Trong khi đó, thoát vị bẹn ở bé gái thường chứa buồng trứng, ruột, mạc nối lớn, làm thương tổn những cơ quan này nếu không xử lý kịp thời.
Triệu chứng chính của thoát vị bẹn là một khối phình ở vùng bẹn của trẻ. Khối này thường phình to hơn khi bé khóc to, ho hoặc rặn. Khi đó, bé có cảm giác đau dẫn đến biếng ăn, táo bón, quấy khóc.
Bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sau phẫu thuật thoát vị bẹn. Xung quanh vết mổ thường sưng nhẹ, kéo dài một vài tuần. Nếu vết mổ tấy đỏ, sưng đau, chảy máu; trẻ khó tiểu, sốt trên 38 độ C, nôn ói... cần đưa đến bệnh viện ngay.
Hạ Vũ
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.