Ngày 17/7, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Lan Anh, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhịp tim của bệnh nhi chậm 90-95 lần mỗi phút (trẻ bình thường cùng độ tuổi khoảng 104-175 lần mỗi phút), đồng tử hai bên co. Ổ bụng có nhiều hơi, dịch trong lòng các quai ruột.
Trước đó ba ngày, bé xuất hiện chảy mũi trong. Bác sĩ ở phòng khám gần nhà kê đơn thuốc nhỏ mũi liều dùng hai giọt mỗi bên mũi và thuốc uống 1/2 viên mỗi lần (người nhà không rõ loại). Về nhà, bé uống thuốc và nhỏ mũi thì có biểu hiện kích thích, quấy mẹ liên tục một đêm, sáng ngày tiếp theo chuyển sang trạng thái li bì, tiếp xúc chậm dần.
Bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám và điều trị. Bác sĩ ghi nhận thuốc bé sử dụng chứa thành phần naphazolin - hoạt chất thường có trong các loại thuốc nhỏ mắt, mũi phổ biến hiện nay. Theo bác sĩ Lan Anh, hoạt chất này có tác dụng co mạch, giảm sưng và xung huyết, điều trị nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi, viêm xoang.
"Bé ngộ độc thuốc nhỏ mũi", bác sĩ Lan Anh nói, thêm rằng thuốc chứa naphazolin cần chỉ định phù hợp theo độ tuổi. Bệnh nhi được truyền dịch thải độc, uống men tiêu hóa, thuốc giảm đầy hơi, xịt rửa mũi hàng ngày. Ba ngày sau bé hồi phục tốt, sức khỏe ổn định, xuất viện.
ThS.DS Nông Thị Thanh Phương, khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thuốc nhỏ mũi khá thông dụng, bán không cần kê đơn. Nhiều loại chứa thành phần naphazolin, fenoxazolin, oxymetazolin và tetrahydrozoline có khả năng gây ngộ độc nếu dùng không phù hợp.
Trẻ sử dụng naphazolin quá liều (khi dùng tại chỗ liều quá cao hoặc uống nhầm) có thể bị ức chế hệ thần kinh trung ương, tác dụng phụ lên tim mạch. Biểu hiện là hạ thân nhiệt, tim đập chậm, vã mồ hôi, chân tay lạnh, da tái xanh, buồn ngủ, ngủ gà, lừ đừ, thở chậm, thở không đều hoặc ngừng thở, hôn mê. Bé li bì, bỏ bú, ăn ít dẫn đến rối loạn nội mô như hạ đường huyết, rối loạn chuyển hóa như suy dinh dưỡng. Tình trạng này ảnh hưởng chức năng gan, thận của trẻ do khả năng thải độc kém.
Naphazolin cũng là dẫn chất imidazolin có tác dụng trên thần kinh giao cảm. Khi nhỏ vào niêm mạc mũi, thuốc kích thích trực tiếp lên thụ thể có thể gây co các mạch máu mũi. Sử dụng lâu dài, naphazolin có thể làm trơ hệ thần kinh giao cảm trên bề mặt niêm mạc mũi, gây mất tác dụng co mạch chống ngạt, xung huyết nặng.
Thời tiết nắng mưa thất thường, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Triệu chứng thường gặp là sổ mũi, ho. Hầu hết trường hợp do virus.
Phụ huynh vệ sinh mũi họng cho bé bằng nước muối sinh lý ấm để khai thông đường thở. Tăng cường cữ bú và thời gian bú đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn. Cho uống nhiều nước, ưu tiên nước ấm, hạn chế đồ lạnh. Có chế độ dinh dưỡng cân bằng cho trẻ, tăng cường thực phẩm giàu đạm, vitamin và chất xơ, ưu tiên ăn lỏng, dễ tiêu.
Trẻ bệnh kéo dài, có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn như có dịch mũi và ho đờm chuyển màu xanh vàng, sốt, quấy khóc, bỏ bú, ăn ngủ kém, rối loạn tiêu hóa... nên đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Nhi khám để được hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp. Bác sĩ Lan Anh khuyến cáo phụ huynh dùng thuốc theo đúng chỉ định.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |