Người nhà cho biết con đang chơi thì có biểu hiện nghẹn, mở miệng bé kiểm tra thấy dị vật đang trôi vào cổ họng, không lấy ra được nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Kết quả nội soi ghi nhận họng bé đỏ, trầy xước nhẹ vùng vòm họng bên trái, bụng mềm. Chụp X-quang bụng cho thấy dị vật là chiếc ghim bấm nằm trong dạ dày, tại vị trí ngang đốt sống ngực D11-D12.
Ngày 26/7, BS.CKI Cao Hoàng Thiện, khoa Cấp cứu, cho biết dị vật có nguy cơ tổn thương hệ tiêu hóa, bệnh nhi cần gắp dị vật ngay. Bé được BS.CK2 Hồ Thị Bích Thủy, Khoa Nội soi Tiêu hóa, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng có gây mê. Dị vật nằm ở dạ dày, còn nguyên khối, bác sĩ lấy ra dễ dàng, không gây trầy xước.
"Bé Hoàng nhập viện sớm nên được lấy dị vật nhanh, may mắn ghim bấm còn nguyên", bác sĩ Thủy cho biết, thêm rằng nếu ghim bấm tách rời có nguy cơ cao thủng ruột. Sau nội soi, bé Hoàng không còn nôn ói, ăn uống bình thường, xuất viện sau một ngày.
Nuốt dị vật là tình trạng cấp cứu thường gặp ở trẻ nhỏ. Các dị vật sắc, nhọn hay chứa chất độc có thể dẫn đến nuốt đau, khó nuốt, nôn, không chịu ăn, tăng tiết nước bọt, đau bụng, nôn ra máu... Các biểu hiện này thường xuất hiện ngay sau khi trẻ nuốt dị vật, đôi khi sau vài ngày hoặc vài tháng. Lúc này, dị vật có thể gây tắc nghẽn, làm loét, chảy máu ống tiêu hóa, giải phóng các chất độc nguy hại.
Dị vật làm tổn thương dạ dày, ruột non, ruột già gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng. Trường hợp dị vật đâm xuyên ra ngoài ổ bụng dễ tổn thương các tạng xung quanh. Khi dị vật đã đâm thủng hoặc đi xuống vị trí sâu như ruột non, bác sĩ cần mổ nội soi hoặc mổ mở để gắp ra, súc rửa ổ bụng, xử lý lỗ thủng.
Bác sĩ Bích Thủy khuyến cáo phụ huynh để đồ vật nhỏ ngoài tầm tay của trẻ, nhất là tiền xu, cục pin, lego, kim, tăm. Trẻ có triệu chứng nghi ngờ nuốt dị vật cần được đưa đến cơ sở y tế ngay.
Quyên Phan
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |