Đó là khung cảnh mà bác sĩ Bùi Thị Len, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội (IVFTA), vẫn nhớ như in khi cùng các đồng nghiệp nỗ lực giúp vợ chồng chị Thu anh Đức thực hiện giấc mơ làm cha mẹ.
Một ngày tháng 11, chị Thu, 25 tuổi và anh Đức, 30 tuổi, đến khám tại IVFTA rất sớm. Đó là ca khám đầu tiên trong ngày của bác sĩ Len. Hai vợ chồng cầm theo một tập giấy tờ dày cộp cho thấy họ đã tìm đến khắp các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn ở Hà Nội để thăm khám. Tuy nhiên, sau khi xem lần lượt các hồ sơ, bác sĩ Len thậm chí không dám nhìn thẳng vào ánh mắt của cả hai người, họng muốn nghẹn lại.
Cặp vợ chồng đã chạy chữa hiếm muộn 5 năm nhưng chưa có kết quả, do người chồng không có tinh trùng trong tinh dịch. Sau khi được tư vấn rằng có rất nhiều phương pháp tìm tinh trùng để thực hiện thụ tinh ống nghiệm, chị Thu động viên chồng tiếp tục thăm khám chuyên sâu. Tuy nhiên, 2 vợ chồng như muốn ngã quỵ khi bác sĩ nói rằng "cơ hội quá mong manh" vì chỉ số nội tiết sinh tinh (FSH) tăng rất cao (> 42 mIU/ml). Kết quả siêu âm tinh hoàn của chồng 2 bên teo nhỏ, tinh hoàn phải khoảng 2,8 gm, tinh hoàn trái khoảng 2,3 g.
Dù thực hiện phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay là micro-TESE, vi phẫu thuật tinh hoàn thu tinh trùng, thì tỷ lệ thành công cũng cực thấp. Chính vì vậy, bác sĩ tư vấn họ cần tìm người hiến tinh trùng chuẩn bị mẫu tráo dự phòng mới được mổ. Cả 2 vợ chồng đi khắp các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn ở Hà Nội với hy vọng có kết quả khác, nhưng vô vọng.
Câu chuyện rơi vào bế tắc cho đến khi đọc thông tin về ca mổ tìm được tinh trùng cực khó tại IVFTA Hà Nội, 2 vợ chồng lại nuôi hy vọng cuối cùng. Dù các bác sĩ ở đây từng mổ thành công lấy được tinh trùng cho trường hợp tinh hoàn 3g, trường hợp này tinh hoàn bé hơn, nội tiết lại cao gấp đôi nên độ khó tăng gấp đôi. Tuy nhiên, nhìn ánh mắt của đôi vợ chồng, bác sĩ nghĩ thầm: "Dù khó, dù tỷ lệ thấp, nhưng không làm thì sao biết được kết quả".
Một cuộc hội chẩn khẩn trương về chuyên môn được thực hiện giữa 4 chuyên gia của trung tâm gồm: PGS Lê Hoàng - Giám đốc trung tâm, TS Nguyễn Liên Hương - Phó giám đốc trung tâm, trưởng labo phôi học, và bác sĩ Cao Tuấn Anh, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng. Họ quyết định tư vấn người bệnh tiến hành mổ micro-TESE, nếu có tinh trùng sẽ đông tinh trùng ít.
"Khi thông báo kết quả hội chẩn tôi thấy trong ánh mắt của họ ngoài nỗi lo lắng thường trực đã lấp lánh những tia hy vọng. Tôi tin dù kết quả như thế nào chúng tôi không hối hận vì đã làm hết sức có thể", bác sĩ Len nhớ lại.
Bệnh nhân được tiến hành các thăm khám tiền mê, khám mê ngay trong ngày với mong muốn mổ càng sớm càng tốt. Ca phẫu thuật căng thẳng, áp lực không chỉ đến từ người bệnh với tinh hoàn bé, nội tiết rất cao, mô tinh hoàn đã xơ teo rất nhiều... Chính các bác sĩ cũng vô cùng áp lực.
Khi thạc sĩ Vũ Đình Hợp, chuyên viên lab có nhiều năm kinh nghiệm tìm tinh trùng ở những trường hợp khó, thốt lên "Có tinh trùng rồi ạ" thì tất cả bác sĩ cùng reo lên. Ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi. Dù chỉ mổ tinh hoàn bên phải, bệnh nhân đã có đủ tinh trùng để đông tinh 2 tube.
Tìm được tinh trùng như "đãi cát tìm vàng", vợ chồng anh Đức vui mừng, thận trọng lên kế hoạch tẩm bổ sức khỏe, dự kiến quay lại IVFTA vào đầu Xuân 2023 để tiến hành kích trứng, tạo phôi và làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Nếu mọi chuyện thuận lợi, anh chị sẽ sớm đón "mèo vàng".
"Hạnh phúc của người bệnh cũng là hạnh phúc của đội ngũ y bác sĩ. Dù đây chỉ là chặng đường đầu cho bệnh nhân trên hành trình tìm con và con đường phía trước còn dài, nhưng có bước qua cửa ải này mới đến những ga tiếp theo để về đích. Nếu không mất lòng tin thì vẫn có những phép màu xảy ra nên tôi mong các cặp vợ chồng hiếm muộn đừng dễ dàng bỏ cuộc, hoa trái thu hoạch muộn sẽ rất ngọt ngào", bác sĩ Len nói.
Thanh Ba