Bác sĩ Dương Việt Bắc, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết mổ lấy thai thường được chỉ định khi có lý do y khoa, bởi tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé.
Sản phụ dễ gặp các biến chứng sau mổ như thời gian hồi phục lâu, tăng số ngày nằm viện, chảy máu, dính các cơ quan trong ổ bụng hoặc lớp cơ giữa thành bụng, thuyên tắc mạch do cục máu đông. Tác dụng phụ của thuốc gây tê màng cứng như dị ứng, hạ huyết áp do thuốc tê lan tỏa ức chế thần kinh giao cảm, mạch chậm, buồn nôn, suy hô hấp.
Phương pháp rạch trên thành bụng, rạch cơ tử cung... làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thành bụng và vết mổ cơ tử cung. Sản phụ có thể phải cắt bỏ tử cung nếu nhiễm vi trùng có độc tính mạnh hoặc băng huyết sau sinh. Những tai biến phẫu thuật do chạm phải các cơ quan lân cận như ruột, bàng quang, niệu quản, gây rò bàng quang - tử cung, rò bàng quang - âm đạo...
Ở những thai kỳ tiếp theo, sản phụ từng sinh mổ có thể đối mặt với nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nhau bong non. Nứt vết mổ đẻ cũ (vỡ tử cung) dễ xảy ra ở những tháng cuối thai kỳ hoặc khi chuyển dạ, gây tử vong cho mẹ và con nếu không xử trí kịp thời. Tỷ lệ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, thai ngoài tử cung cao hơn so với phụ nữ từng sinh thường.
Sẹo mổ lấy thai cũ không hồi phục hoàn toàn, dẫn đến tụ dịch, gây rong kinh, đau bụng kéo dài, vô sinh thứ phát. Bác sĩ Bắc cho biết tình trạng này có thể xảy ra ở khoảng 24-70% phụ nữ từng sinh mổ ít nhất một lần. Phụ nữ sinh mổ có thể làm giảm khả năng mang thai tiếp theo trung bình 10% so với người sinh thường. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sản Phụ khoa Mỹ (2023) dựa trên 310 bệnh nhân cho thấy tỷ lệ có thai ở người có tiền sử sinh mổ là 40,3%, thấp hơn so với phụ nữ từng sinh thường, tỷ lệ khoảng 54,8%.
Thai nhi sinh mổ có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh không lây nhiễm như hen suyễn, dị ứng thực phẩm, tiểu đường type 1, béo phì... sau này.
Theo bác sĩ Bắc, tỷ lệ trẻ sinh mổ mắc các bệnh lý về hô hấp như chậm hấp thu dịch phế nang tăng 2-4 lần, bệnh màng trong gấp 5-7 lần, cao áp phổi tồn tại tăng 5-6 lần, cơn thở nhanh thoáng qua cao 2-3 lần, bệnh phổi tăng 3-20 lần, cần hỗ trợ thở máy tăng 4 lần. Ước tính phải mất 6 tháng, trẻ sinh mổ mới có hệ vi khuẩn đường ruột như trẻ sinh thường.
Mổ lấy thai có hai loại là mổ khi chưa chuyển dạ và mổ lúc đang chuyển dạ. Trong đó, mổ trước khi chuyển dạ có thể được chỉ định khi khung chậu người mẹ bất thường như hẹp, méo; người mẹ có u xơ tử cung, u buồng trứng, nhau tiền đạo trung tâm làm cản trở thai di chuyển; bị nhiễm độc thai nghén. Thai phụ tiền sản giật nặng; cao huyết áp; tử cung có sẹo xấu; âm đạo chít hẹp hoặc bị rách; dị dạng sinh dục như tử cung đôi, tử cung hai sừng cũng cần mổ trước khi chuyển dạ. Về phía thai nhi, các trường hợp được chỉ định có thể là do thai bị suy dinh dưỡng nặng, bất đồng nhóm máu...
Khi đang chuyển dạ, thai phụ bị chảy máu do nhau tiền đạo, dọa vỡ tử cung, nhau bong non, chuyển dạ kéo dài (trên 20 giờ với phụ nữ sinh con so và 14 giờ trở lên với người từng sinh con) hoặc chuyển dạ ngừng tiến triển, sa dây rau... được chỉ định mổ. Thai phụ trên 35 tuổi, bị thiếu máu nặng, đái tháo đường không được kiểm soát, ung thư cổ tử cung, mắc bệnh Herpes sinh dục... cũng được khuyên chọn phương pháp này.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ mổ đẻ ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ mổ lấy thai ở Việt Nam tăng liên tục trong 15 năm qua, từ 12% (năm 2005) đến 37% (năm 2022), nhiều hơn khuyến cáo của WHO là dưới 15%.
Bác sĩ Bắc lý giải bên cạnh xu hướng chọn ngày giờ đẹp để sinh con, tỷ lệ lớn vợ chồng vô sinh hiếm muộn có con bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo (IUI), thụ tinh ống nghiệm (IVF) cũng chọn sinh mổ chủ động để đảm bảo an toàn. Phụ nữ từng sinh con đầu lòng bằng phương pháp mổ, khi sinh con thứ 2, thứ 3 có nguy cơ phải mổ lấy thai cao hơn. Những biến chứng chuyển dạ khó lường đôi khi tạo áp lực cho bệnh nhân và bác sĩ trong những trường hợp đẻ khó, không kiên trì chờ sinh thường mà chuyển sang đẻ mổ.
Để chọn phương pháp sinh phù hợp, thai phụ cần được bác sĩ theo dõi xuyên suốt quá trình mang thai. Sau khi cân nhắc giữa lợi ích, nguy cơ sinh thường và sinh mổ, bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp. Thai phụ và người thân nên tìm hiểu kỹ các phương pháp sinh.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |