(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nếu cứ tập trung vào xe buýt thì có phần phiến diện. Nước ngoài không làm như vậy. Họ tập trung vào mạng lưới giao thông công cộng gồm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe buýt. Mạng lưới giao thông công cộng ấy có tiêu chí là làm sao từ nhà đến trạm, từ trạm đến nơi cần đến, từ trạm nọ đến trạm kia (để đổi hướng đi) không quá năm phút đi bộ. Từ đó, họ mới quy hoạch ra ở đâu xây metro, ở đâu xây bến buýt, ở đâu xây tàu điện trên cao...
Metro thường chỉ có hai tuyến vuông góc nhau đi về bốn hướng xa nhất của thành phố. Tàu điện trên cao chạy theo tuyến vòng tròn theo đường vành đai (một hoặc hai tuyến đồng tâm không giao cắt nhau). Còn lại là xe buýt. Nếu giao thông công cộng chỉ toàn xe buýt thì mật độ sẽ rất dày đặc (sẽ dẫn đến kẹt xe bởi chính những chiếc xe buýt này). Hai loại hình tàu điện là để giảm mật độ xe buýt. Xe buýt là để đi gần, nếu đi xa nó sẽ mang người ta đến trạm xe điện. Một tuyến xe buýt của họ thường không dài quá 10 km.
Muốn xây dựng hệ thống giao thông công cộng khoa học thì phải tính toán làm sao cho mạng lưới đáp ứng được tiêu chí đi bộ không quá năm phút. Làm cực đoan theo kiểu Yangon (Myanma), thì người ta sẽ đi xe đạp. Thời bao cấp, khi chúng tôi còn là sinh viên, chúng tôi vẫn đi xe đạp vì tốc độ xe buýt cũng không hơn xe đạp bao nhiêu mặc dù lúc đó xe máy rất thưa thớt (ai có xe máy là oách lắm). Thay cho xe máy đầy đường sẽ là xe đạp đầy đường. Đến lúc đó, chẳng lẽ cấm xe đạp?
Thành phố bây giờ cũng không to hơn hồi 40 năm trước. Có khác chăng là ngày xưa dân cư thưa thớt, bây giờ dân cư dày đặc. Ngày xưa có 3,5 triệu chiếc xe đạp, ngày nay nếu cấm xe máy thì sẽ có 12 triệu chiếc xe đạp đổ ra đường. Đi xe đạp không cần bằng lái, không cần đăng ký biển số, ai cũng có thể đi, có tai nạn cũng không đến nỗi chết người. Bị công an giam xe có thể vứt bỏ luôn. Khi ấy, kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe, chẳng giải quyết được cái gì.
>> Cấm xe máy thì xe buýt sẽ phát triển
Chúng ta cái gì cũng chưa có, metro xây dựng cả chục năm chưa xong, tàu điện trên cao mới chỉ trên giấy, các tuyến buýt thiếu khoa học... Vậy làm sao có thể cấm xe máy? Tôi đã lâu không đi xe máy từ khi mua được ôtô, nhưng không vì thế mà không thông cảm cho người đi xe máy. Muốn cấm xe máy, Nhà nước phải "có" chuẩn bị hạ tầng đầy đủ như người ta đã. Khi nào metro, tàu điện trên cao, mạng lưới xe buýt phủ kín mọi nơi, sẵn sàng hoạt động – tức là đã tính toán quy hoạch đâu ra đấy, lúc ấy cấm xe máy như Yangon cũng đâu có muộn, thậm chí còn được người dân hoan nghênh.
Cái gì cũng chưa có mà đòi cấm xe máy thì không giải quyết được chuyện kẹt xe, chi mang lại lợi ích bánh vẽ. Cụ thể, người ta ở nơi không có tuyến xe buýt phải đi bộ rất xa mới đến trạm; lên được xe buýt chạy vài km lại xuống xe đi bộ đến trạm khác để đổi tuyến; lại đi, lại đổi tuyến lần nữa mới đến được nơi cần đến. Tiền vé qua ba tuyến là 30.000 đồng, chiều về tương tự. Một tháng đi làm 25 ngày lương coi như mất đứt 1,5 triệu đồng để đi xe buýt (bằng 32% lương tối thiểu vùng). Có lẽ chẳng có ở đâu có phí đi xe công cộng "khủng" như vậy? Ở mọi quốc gia, mức phí này không quá 5% trên mức lương tối thiểu của họ. Vé buýt mọi tuyến, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao xài chung hết và có giá trị trong ngày.
Vì sao số người đi xe buýt năm 2019 giảm thấy rõ? Vì giá vé tăng vọt. Đi xe buýt cũng bằng với bắt xe công nghệ thì ai đi xe buýt nữa? Xây dựng mạng lưới giao thông công cộng có ba tiêu chí: thời gian di chuyển, cước phí và mức trợ giá (để tư nhân có lời). Đó là bài toán rất đau đầu cần nhiều người giải.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm