Sáng nay, dùng lại một tuyến xe buýt ở TP HCM, tôi thật bất ngờ với cung cách phục vụ một nam nhân viên khi nói cộc lốc theo kiểu ra lệnh ngay từ lúc hành khách mới lên xe: "Để hành lý này sát vô" hoặc "chưa tới trạm mà đứng dậy làm chi"... Trong khi đó, suốt đầu tuyến từ bến xe Chợ Lớn đến Bệnh viện mắt, anh chỉ thông báo cụt lủn có 3 lần. Nếu không phải là người đi khám mắt thường xuyên trên chuyến xe này thì có lẽ tôi cũng sẽ bị lỡ trạm như nhiều hành khách mới đi lần đầu khác. Đối xử với hành khách như vậy thì làm sao người ta thích đi xe buýt?
Trong nỗ lực thu hút hành khách sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng, góp phần vào việc làm giảm thiểu ùn tắc giao thông của thành phố, từ lâu, ngành GTVT TP HCM đã không ngừng cải tiến, cung cấp nhiều tiện nghi phục vụ cho hành khách đi xe buýt. Cũng theo các giới chức ngành, từng bước sẽ đưa vào hoạt động nhiều tuyến xe buýt để phục vụ tốt sự đi lại người dân thành phố, như xe mới 100%, có điều hoà không khí, sàn thấp 2 bậc tiện lợi cho hành khách lên xuống và nhiều tiện nghi khác. Tiến tới lâu dài sẽ sử dụng nhiên liệu sạch khí nén CNG.
Tuy nhiên, khi có dịp trở lại TP HCM và đi xe buýt, tôi lại cảm nhận một số vấn đề tồn tại khi hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng này. Điều đó gây trở ngại không ít cho chủ trương của thành phố: hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân bằng xe buýt.
>> 'Tôi thà tốn tiền bắt xe ôm công nghệ còn hơn đi xe buýt giá rẻ'
Một năm trước đây, tuyến xe buýt số 150, lộ trình Bến xe Chợ Lớn - Suối Tiên - Ngã ba Tân Vạn cho tôi một ấn tượng tốt khi sử dụng. Ngoài những tiện nghi như máy lạnh, ghế bọc nệm, sạch đẹp, sang trọng, rộng rãi, hành khách ngồi thoải mái, tôi cũng rất hài lòng về hệ thống báo trạm tự động. Đây là một trang thiết bị rất cần thiết, tạo sự an tâm cho những hành khách đi xe buýt lần đầu cũng như những hành khách từ các tỉnh lân cận đến TP HCM như tôi. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, có xe còn hoạt động, có xe lại không. Tôi thắc mắc thì được một nhân viên xe nói vui rằng: "Nó bị yếu sinh lý rồi chú ơi".
Cũng một năm trước, tôi ấn tượng khi nhiều lần chứng kiến cung cách phục vụ của tài xế, nhân viên tuyến xe 54, lộ trình Bến xe Miền Đông - Bến xe Chợ Lớn. Cụ thể một lần, sau khi nghe thông báo trạm Lê Hồng Phong, người tài xế xe còn dặn dò thêm: "Bà con nào đi xe Phương Trang thì xuống đây nghe". Khi xe đến trạm Hùng Vương, anh tiếp viên cũng niềm nở: "Bà con nào muốn tới bệnh viện Chợ Rẫy thì chịu khó đi vòng theo tay phải nghe".
Sau nhiều lần đi trên chuyến xe này, lần nào tôi cũng chứng kiến những hành động rất đáng khen của các nhân viên như nhiệt tình giúp hành khách lên xe, sắp xếp chỗ ngồi, giúp đỡ mang hành lý lên xuống xe... Điều đặc biệt là trên môi họ lúc nào cũng nở nụ cười, khiến hành khách xuống trạm không tiếc lời cảm ơn. Tiếc rằng đó chỉ còn là chuyện quá khứ.
>> Ai dám đi xe buýt mui trần với thời tiết ở Sài Gòn?
Theo tôi, TP HCM không khó để có những chuyến xe buýt thân thiện, văn minh, hút khách, khiến người dân sẵn sàng thay thế các phương tiện vận chuyển cá nhân. Trong đó có 3 việc mà Sở GTVT TP HCM cũng như các các hợp tác xã vận tải, các công ty vận tải công cộng cần phối hợp làm ngay.
Trước hết, phải làm sao để trên 150 tuyến nội, ngoại thành, mỗi đầu xe đều phải có một hệ thống báo trạm tự động. Điều quan trọng là thường xuyên kiểm tra, bảo trì, sửa chữa và thay mới ngay khi trang thiết bị này có sự cố. Khai sinh một thiết bị phục vụ hành khách, như hệ thống báo trạm tự động trên mỗi đầu xe buýt đã cần thiết, nuôi dưỡng để cho nó luôn hoạt động tốt, phục vụ làm hài lòng hành khách lại càng quan trọng hơn.
Thứ hai là thái độ, hành vi, cung cách phục vụ của tài xế cũng như nhân viên trên xe cần được cải thiện. Tất nhiên bàn tay còn ngón ngắn ngón dài thì chuyện không đồng nhất trong cách ứng xử văn minh, lịch sự với hành khách của mỗi tài xế, tiếp viên trong mỗi đầu xe cũng là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không vì thế mà TP HCM ngừng hoàn thiện một phương tiện vận tải công cộng chủ lực, có thể thay thế các phương tiện cá nhân sau này, như xe buýt.
>> Các bài viết cùng tác giả:
>> 'Người Việt ăn chung đĩa, gắp cho nhau là thiếu văn minh'
>> 'Người trẻ dễ nghiện ma túy khi gia đình không còn là tổ ấm'
>> Dẹp nạn chăn dắt trẻ ăn xin không khó
Thứ ba, các hợp tác xã vận tải, các công ty vận tải công cộng phối kết hợp cùng các Sở giao thông vận tải thường xuyên tổ chức các hình thức học tập, bồ dưỡng về cung cách phục vụ của cả tài xế, tiếp viên và nhân viên đối với hành khách. Nhắc nhở, kiểm tra định kỳ, thi đua khen thưởng những tấm gương tốt, kiểm điểm những cá nhân, tập thể chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đây là những điều vẫn chưa được quan tâm đúng mực trong khi không hề khó thực hiện.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.