Đọc bài viết "Tôi chấp nhận tốn gấp đôi thời gian để đi xe buýt" của tác giả Namvfpx, tôi vừa vui vừa buồn. Tôi vui vì thấy được suy nghĩ tích cực của người viết khi sẵn sàng hy sinh chút lợi ích các nhân để chung tay cùng cộng đồng phát triển giao thông công cộng. Nhưng tôi cũng buồn khi thấy nhiều ý kiến phản hồi cho rằng thời gian là vàng bạc và tốn thì giờ cho việc đi xe buýt là lãng phí. Đó là những quan điểm vô cùng tiêu cực đến công cuộc xây dựng một tương lai không xe máy.
Tôi cũng từng bỏ xe máy để đi làm bằng xe buýt trong suốt một thời gian dài. Nhà tôi các chỗ làm khoảng 15 km. Nếu di chuyển bằng xe máy, tôi sẽ mất khoảng 45 phút để đến công ty. Thế nhưng, tôi quyết định bỏ ra gần gấp đôi thời gian trên để đi làm bằng xe buýt. Nhiều người hỏi tôi rằng "sao lại tự mua dây buộc mình, tự làm khó bản thân? Số thời gian tiết kiệm nếu đi bằng xe máy có khi đủ cho tôi ăn sáng, uống cà phê trước khi vào làm, vậy cớ gì lại lãng phí vào việc ngồi trên xe buýt?".
Thực ra, thời gian ấy có lãng phí hay không còn tùy thuộc vào thái độ và cách sử dụng của mỗi người. Hơn một tiếng đồng hồ ngồi trên xe buýt với tôi vô cùng có giá trị. Tôi rèn cho mình một thói quen "không để thời gian chết". Nhờ đó, mỗi khi lên xe, tôi lại đọc sách. Quãng đường đi và về mỗi ngày giúp tôi dành ra không dưới 20 tiếng mỗi tuần cho việc đọc. Trung bình cứ mỗi tuần tôi lại đọc xong một cuốn sách, một năm gần 50 quyển. Đều đặn như vậy, sau bốn năm đi làm bằng xe buýt, đến nay, tôi đã đọc trên dưới 200 cuốn sách lớn nhỏ.
Người ta nói sách là kho tàng tri thức vĩ đại của nhân loại. Nhờ thói quen đọc sách mỗi ngày, tôi nhận ra kiến thức và tầm hiểu biết của mình mở rộng hơn rất nhiều. Tôi học được cách kiểm soát bản thân, cách đối nhân xử thế, cách sắp xếp thời gian khoa học... từ đó điều chỉnh các hành vi, thói quen của mình trong cuộc sống. Sự thay đổi sau đó đến rõ rệt khi tôi nhận thấy công việc và cuộc sống của mình dễ thở hơn rất nhiều.
Bên cạnh quãng thời gian đọc sách trên xe buýt, tôi còn tranh thủ nghe và học thêm tiếng Anh - thứ vốn là điểm yếu của tôi thời trước. Chỉ bằng việc nghe bài hát, nghe các đoạn hội thoại đều đặn, tôi đã tự trau dồi được vốn ngoại ngữ của mình. Và giờ, tôi cũng tự tiên giao tiếp với các đối tác nước ngoài, không còn lúng túng, ấp úng như trước kia.
>> Không lẽ 10 năm nữa người Hà Nội, TP HCM vẫn đi xe máy?
Đó là về mặt tư duy, còn về thể chất, khỏi phải nói đi xe buýt giúp tôi cải thiện sức khỏe đến mức nào. Quãng đường đi bộ từ nhà ra đến trạm xe buýt và từ trạm xe buýt đến công ty mỗi ngày giúp tôi duy trì được thói quen đi bộ. Sử dụng đồng hồ thông minh, tôi đếm được số bước chân của mình mỗi ngày không dưới 1.000 bước. Vậy là thay vì mất thời gian sau giờ làm đi chạy bộ, đạp xe như trước kia, giờ tôi chẳng phải lo đến việc tập thể dục nữa. Một cơ thể khỏe mạnh là luôn được duy trì vận động mỗi ngày chứ không nhất thiết phải chạy hùng hục.
Một điểm khiến tôi thích nhất khi đi xe buýt, đó là không những tiết kiệm được chi phí xăng dầu, sửa chữa xe, tôi còn chẳng lo đến an toàn tính mạng khi tham gia giao thông. Bởi nói gì thì nói, đi xe buýt vẫn là an toàn hơn hẳn xe máy hay ôtô cá nhân. Cứ hình dung bạn đi xe bên cạnh mấy chiếc xe tải hay container trên đường, tôi tin nó còn mệt óc hơn gấp bội việc ung dung ngồi trên xe buýt.
Tất nhiên, sẽ có nhiều người đổ lỗi cho việc xe buýt chật chội, ồn ào, nhồi nhét. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng điều đó chỉ xuất hiện ở những tuyến xe chạy qua các trường đại học, nơi có nhiều sinh viên, học sinh. Còn phần lớn những tuyến xe khác trong thành phố đều rất vắng, không lo thiếu chỗ ngồi, chưa kể chất lượng dịch vụ và tiện nghi trên xe cũng ngày một được cải thiện. Đi xe buýt, tôi chẳng lo mưa nắng, bụi bặm. Vậy cớ gì không đi?
Nói tóm lại, chưa cần nghĩ xa vời đến việc góp phần bảo vệ môi trường hay vì sự phát triển chung của xã hội, cứ nhìn vào lợi ích của bản thân, chúng ta sẽ thấy rất nhiều điểm tích cực từ việc đi xe buýt nói riêng hay giao thông công cộng nói chung. Học cách nhìn nhận và suy nghĩ tích cực, tôi tin bạn sẽ không có quá nhiều lý do để từ chối xe buýt. Sắp tới đây, khi hệ thống Metro, đường sắt đô thị, BRT được hoàn thiện hơn, tôi tin những ưu việt của giao thông công cộng sẽ còn được phát huy mạnh hơn nữa.
Nếu cứ mãi ỷ lại, trông chờ đến khi hạ tầng giao thông công cộng hoàn thiện mới ủng hộ thì có lẽ người Việt sẽ còn rất xa nữa mới đạt được giấc mơ "không xe máy". Tôi tin, khi tất cả chúng ta chủ động, đồng lòng hướng tới một đô thị văn minh, chuyện bắt kịp những Singapore, Thượng Hải, Hong Kong, Seoul, Tokyo... cũng chẳng phải quá xa vời.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.