Nói về thực trạng "Xe buýt 'vô cảm'", độc giả Nguyen Tra My lại có một góc nhìn khác khi cho rằng, một phần nguyên nhân đến từ chính thói quen tùy tiện, không tuân thủ nội quy của người Việt khi sử dụng phương tiện công cộng:
"Tôi đi làm bằng xe buýt ở Sài Gòn đã hơn 15 năm. Khi tôi nói ra điều này, nhiều người không thể tin nổi một người có yêu cầu cao như tôi lại đi xe buýt. Nhưng thực sự, tôi không thấy có vấn đề gì với xe buýt ngoài chuyện lâu lâu tài xế đi không đúng làn làm tôi phải băng qua đường mới đón được xe.
Mới sinh xong, bụng còn to tôi nên rất ngại trước sự nhiệt tình của các bạn tiếp viên xe buýt khi liên tục nhắc mọi người nhường ghế cho tôi, nhắc tài xế dừng hẳn để 'bà bầu' như tôi lên xuống an toàn, thậm chí có người còn đỡ xuống xe làm tôi 'dở khóc dở cười'.
Theo tôi, khi bản thân mình tuân thủ nội quy và chấp nhận đây là phương tiện công cộng giá rẻ, không đòi hỏi quá đáng, thì tôi thấy mọi thứ đều rất bình thường. Đường sá rất đông đúc, tài xế dễ bị áp lực về thời gian (phải về trạm đúng giờ) nên họ thường hay chạy nhanh và phanh gấp. Do đó, những người ngồi ghế đầu không có gì che chắn rất dễ gặp nguy hiểm. Đó là lý do hàng ghế nào được dành cho những người yếu thế như người già, phụ nữ mang thai, con nít, người khuyết tật...
Nhưng khổ nỗi, hầu hết mọi người đi xe buýt cứ lấy lý do say xe hoặc lý do cá nhân khác để đòi ngồi hàng ưu tiên cho bằng được. Khi tiếp viên nhắc nhở, họ lại không nghe, thậm chí gây gổ ngược lại, dẫn tới cự cãi, ẩu đả. Nhiều người lên xe đứng không nhìn trước ngó sau, cứ chọn ngay lối lên xuống cho thoáng, vô tình gây chắn lối đi, tiếp viên nhắc nhở thì họ lại cự cãi.
Tiếp xúc mỗi ngày với những hành khách như vậy, chẳng trách tiếp viên xe buýt cũng dễ nổi nóng. Nếu có thể, hãy ý kiến với người làm chính sách để hỗ trợ tốt hơn chứ đừng nổi giận với tài xế hay tiếp viên xe buýt. Xét cho cùng, họ cũng phải chịu quá nhiều áp lực về thời gian về trạm và an toàn chuyến đi để kiếm 'miếng cơm manh áo', lại đối mặt với quá nhiều hành khách thiếu ý thức, dẫn tới những hành động không đẹp thời gian qua".
>> Tôi mất dần kiên nhẫn với xe buýt Sài Gòn
Đồng quan điểm, bạn đọc Thương Bình khẳng định, nếu hành khách chấp hành đúng quy định, sẽ giúp giảm bớt áp lực, sự căng thẳng cho tài xế, tiếp viên xe buýt:
"Đã đi xe buýt, bạn phải chấp hành sự sắp xếp của phụ xe, đó là nội quy chung. Tôi đi xe buýt cũng khá nhiều, và thấy rằng, đa số những người biết nhìn trước nhìn sau, biết tư duy logic sẽ chẳng bao giờ bị phụ xe hay tài xế mắng nhiếc gì cả. Ngược lại, phần đông bộ phận hành khách đi buýt hiện nay (chủ yếu là khách đi không thường xuyên) mới là những người thiếu văn hóa.
Nhiều người vừa lên xe đã đòi hỏi này nọ, nói chuyện oang oang, đòi ngồi chỗ không được ngồi, đứng chềnh ềnh giữa lối đi, nhìn rất chướng mắt. Trong khi đó, đa số những em học sinh, sinh viên và người đi vé tháng lên buýt (những người thường xuyên sử dụng dịch vụ) lại rất có ý thức, biết chỗ nào được đứng, chỗ nào không được gác chân, nhường ghế cho người khác và xuống xe thì bấm đèn... Họ hầu như không bao giờ để phụ xe phải nhắc nhở.
Phụ xe buýt có hiền đến mấy mà mỗi chặng gặp một khách vô duyên thì đến cuối ngày cũng phải "tăng xông" mà thôi. Họ có muốn hiền cũng không nổi. Thế nên, nói đến thái độ của nhà xe, trước hết chúng ta phải nhìn lại cách ứng xử, chấp hành quy định chung của mình khi đi xe buýt".
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên?Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.