Không giảm xe cá nhân thì xe công cộng không có đường chạy và sẽ không phát triển được. Bài toán kẹt xe sẽ không bao giờ giải thành công khi chúng ta vừa cho chạy xe cá nhân chạy tự do, vừa muốn phát triển xe công cộng. Trong tình trạng kẹt xe, ùn tắc... người ta sẽ có xu hướng đi xe cá nhân, đặc biệt là xe máy để dễ luồn lách hơn. Xe công cộng vì thế sẽ luôn là phương tiện gây ác cảm cho người dân khi vừa phải chen lấn giữa dòng xe cộ hỗn tạp, vừa phải đáp ứng thời gian chạy đúng giờ.
Thế nên, xe công cộng chỉ có thể hoạt động hết công năng khi có làn đường riêng. Tuy nhiên, điều này lại bất khả thi trong điều kiện kẹt xe, ùn tắc có thể diễn ra bất kỳ lúc nào ở nước ta. Theo tôi, ý tưởng đặt trạm thu phí xe vào nội đô cũng chỉ nên đánh thuế xe ra vào nội đô chứ xe trong nội đô không bị ảnh hưởng, tất cả là nhằm mục đích hạn chế phương tiện cá nhân.
Ngoài ra, chúng ta có thể đánh thuế nặng các điểm trông giữ xe hoặc nơi kinh doanh phục vụ khách đi xe cá nhân. Ví dụ: tăng giá giữ xe lên bằng cách đánh thuế nặng, tăng giá xăng dầu tại các trạm bơm nội đô để người dân dần từ bỏ phương tiện cá nhân khi chi phí quá cao so với đi xe công cộng.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường xử phạt nặng các xe cá nhân vi phạm luật giao thông, loại bỏ hoàn toàn tình trạng đậu xe trên vỉa hè, lòng lề đường... Từ đó, chúng ta từng bước làm cho việc sử dụng xe cá nhân trở thành gánh nặng với người dân, để họ từ bỏ và chuyển qua đi xe công cộng.
>> Cấm xe máy - 'đừng bàn lùi'
Cách đây 10 năm, có bao nhiêu người Việt nghĩ mình đi uống cà phê, mua sắm, đi làm... cũng bằng ôtô? Thế nhưng, bây giờ, nhà nhà, người người, không nhất thiết phải là đại gia, cũng đều có khả năng sắm một chiếc ôtô để đi lại. Chúng ta vẫn cứ bàn với nhau về chuyện xây thêm nơi đậu xe cho người dân thành phố, nhưng không ai nghĩ xem 10-20 năm sau, bãi đỗ xe đó có cần thiết không khi người dân đều đi lại bằng phương tiện chính là xe công cộng, vì xe cá nhân khi đó đã bị cấm tiệt rồi? Đó mới là tầm nhìn xa.
Hãy nhìn dòng xe ở trung tâm vẫn đang kẹt cứng giờ cao điểm và sự thông thoáng phía các quận ngoại thành để thấy những bất cập của quy hoạch thành phố. Từ nhà máy, bệnh viện, trường học, trung tâm mua sắm, nhà ở... tất cả đều tập trung hết ở các quận nội thành. Đến giờ các trường học, bệnh viện lớn, khu dân cư... cũng vẫn chưa chuyển được ra dù đã xây dựng cơ sở mới hoàn chỉnh. Vậy thì khi nào giao thông mới được cải thiện?
>> Không lẽ 10 năm nữa người Hà Nội, TP HCM vẫn đi xe máy?
Nếu Pháp không hạn chế xe cá nhân thì xe buýt, cũng như các phương tiện công cộng khác cũng không thể phát triển được như ngày nay. Thực ra, ngay từ thập niên 80-90, người Pháp cũng đã cố mở rộng đường như chúng ta bây giờ, nhưng hiện tượng kẹt xe giờ cao điểm vẫn tiếp diễn, không cách nào khắc phục được. Song song đó là câu chuyện thiếu chỗ đỗ xe trầm trọng khi ai cũng coi ôtô cá nhân là phương tiện di chuyển chính của mình.
Với dòng xe kẹt cứng, đương nhiên các phương tiện công cộng sẽ ngày càng lộ ra những điểm yếu kém, bất tiện hơn hẳn so với xe cá nhân. Thời điểm đó, mấy ai chịu đi xe công cộng với một đống phiền hà, chung chạ, chạy lòng vòng, không đúng giờ, chuyển nhiều tuyến mới đến nơi... Cũng giống như câu chuyện đang xảy ra tại Việt Nam bây giờ.
Do đó, để giải quyết được vấn đề trên, người Pháp đã quyết định phải hạn chế xe cá nhân bằng nhiều biện pháp mạnh, để xe công cộng có thể phát triển được. Điều quan trọng nhất là họ cho xây dựng các tuyến xe điện, xe chạy trên cao, xe chạy ngầm... giúp người dân có thể di chuyển được những khoảng cách xa một cách tiện lợi. Người lao động nghèo thay vì thuê phòng giá đắt đỏ gần nơi làm trong nội đô, họ có thể thuê phòng xa hơn với giá rẻ hơn nhiều, kể cả phải chi phí thêm cho việc đi lại bằng phương tiện công cộng.
Tôi cho rằng, đó là điều mà những nhà quy hoạch ở Việt Nam cần học hỏi và mạnh dạn triển khai. Người Việt cũng cần từng bước thay đổi tư duy, từ bỏ xe cá nhân để giao thông công cộng có cơ hội phát triển.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND thành phố vào cuối tháng 10. Đề án do đơn vị tư vấn Đại học Giao thông Vận tải xây dựng, đề xuất lập 87 trạm thu phí ở vành đai 3, hoạt động từ 5h đến 21h hàng ngày; dự kiến thu phí ôtô vào trung tâm thành phố từ năm 2025. Tuy nhiên, đề án đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía chuyên gia và người dân.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.