Đã vô số lần, cơ quan chức năng ở nước ta đặt ra vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông. Nhiều người ủng hộ nhiệt tình chủ trương này, trong đó có tôi - một người đang sử dụng hơn một phương tiện cá nhân. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng gặp rất nhiều ý kiến phản đối làm cơ quan chức năng chùn bước.
Ở đây, người quản lý chùn bước không phải vì họ nhận thấy chuyện hạn chế phương tiện cá nhân là sai, mà trong số người có ý kiến trái chiều, có cả những người có vị trí, tầm có ảnh hưởng nhất định trong xã hội, nhưng vì nhận thức chưa thấu đáo, sợ ảnh hưởng tới lợi ích nhóm cá nhân, mà đưa ra những nhận định có phần phiến diện, tạo nên dư luận không tốt.
Những ý kiến phản đối hạn chế phương tiện cá nhân mà tôi thường thấy là:
- Chiếc xe máy là phương tiện mưu sinh của phần đông người Việt, nên nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì khác nào lấy mất "nồi cơm" của họ.
- Tại sao không phát triển phương tiện công cộng cho tốt trước rồi hãy nghĩ tới hạn chế phương tiện cá nhân?
- Chừng nào phương tiện công cộng tốt hơn thì người dân sẽ tự bỏ phương tiện cá nhân, cần gì cấm...
Và cứ như vậy, câu chuyện hạn chế phương tiện cá nhân mãi không có hồi kết, giống như câu hỏi "con gà có trước hay quả trứng có trước?". Nói về câu chuyện hạn chế phương tiện cá nhân, tôi xin lấy ví dụ của Myanmar. Đất nước họ khó khăn hơn ta nhưng vẫn hạn chế phương tiện cá nhân rất tốt, và nếu không vì các bất ổn chính trị thì có lẽ họ đã vượt qua kinh tế của ta rất nhanh, bộ mặt đô thị của họ rất đàng hoàng.
Những năm 80 của thế kỷ trước, ở Trung Quốc cũng nở rộ phương tiện cá nhân như ta bây giờ, nhưng rồi, họ cũng dẹp được. Và như chúng ta thấy, họ đã thay đổi một cách ngoạn mục. Hai nước trên là những ví dụ điển hình cho tính khả thi của đề án giải quyết vấn đề xe cá nhân, hoàn toàn không như các ý kiến phản đối mà nhiều người đưa ra. Vấn đề là nước họ thực hiện chủ trương hạn chế xe cá nhân một cách quyết liệt, với ý chí thống nhất, quyết tâm chính trị cao, chứ không người xây, người bàn lùi.
>> 'Hạn chế xe cá nhân để hết khổ vì thiếu bãi đỗ xe'
Thiết nghĩ, chúng ta nếu muốn thành công cũng phải làm như vậy. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải tôn trọng các ý kiến trái chiều, từng bước giải quyết khó khăn cho các tầng lớp yếu thế trong xã hội. Nhưng mặt khác, chúng ta vẫn phải quyết liệt đưa vào quy củ việc chấp hành pháp luật về giao thông, với các chế tài mạnh mẽ, có tính răn đe cao với các đối tượng cố tình không chấp hành chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân. Từng bước, xây dựng lộ trình thích hợp để phát triển hạ tầng đô thị và hạn chế phương tiện cá nhân.
Tôi lấy dẫn chứng cụ thể là câu chuyện xe buýt nhanh ở ta. Phải khẳng định rằng, đầu tư BRT là một chủ trương rất đúng đắn, vì phương tiện này phục vụ giao thông công cộng rất tốt. Nhưng người đi phương tiện cá nhân ở ta vẫn cứ lì lợm chạy vào làn của BRT, nên mục tiêu đặt ra cho phương tiện này không đạt được. Thế rồi, người ta lại quay lại đổ lỗi, quy trách nhiệm cho BRT là không khả thi và kém hiệu quả. Nó tạo nên một vòng luẩn quẩn mãi không có lối thoát.
Trong những năm gần đây, nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng ùn tắc thì ngày càng trở nên vô vọng vì tốc độ phát triển hạ tầng không thể đua nổi với tốc độ mua sắm phương tiện cá nhân khi thu nhập của người dân ngày càng cao. Giải pháp cho vấn đề này là đánh thuế, thu phí cao đối với phương tiện cá nhân, tiếp tục hợp tác đầu tư PPP, BOT để đầu tư phát triển hạ tầng. Nói nôm na là người nào sắm phương tiện cá nhân sẽ phải bỏ khoản tiền tương xứng để đóng góp với xã hội làm đường sá, hạ tầng.
>> Mối tình 'son sắt' hàng rong, vỉa hè và xe máy
Gom lại những vấn đề trên, có thể thấy rằng, hiện tại chúng ta đang lãng phí nguồn lực vô cùng to lớn - thứ mà đáng ra có thể dùng để phát triển hệ thống giao thông công cộng, không kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới, chứ không phải bức tranh hỗn độn như ta đang thấy. Những vấn đề lớn nhất ở ta là:
- Quy hoạch phát triển giao thông thiếu sự đồng bộ thống nhất với tầm nhìn phát triễn kinh tế xã hội trong dài hạn.
- Thiếu quyết liệt và giải pháp căn cơ, đồng bộ, dài hơi trong giải quyết ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị nói riêng và hà tầng giao thông nói chung.
- Khi thiếu quyết liệt, thì các giải pháp đúng đắn đưa ra không được thực thi nghiêm túc, đầu voi đuôi chuột rồi "chết yểu". Từ đó, cán bộ dễ "dĩ hòa vi quý", người dân thì nhờn luật, người chấp hành tốt lại bị thiệt thòi.
Tình trạng kẹt xe đã tiêu tốn một khoản lớn thời gian, xăng dầu và cơ hội của xã hội. Vậy, hạn chế phương tiện cá nhân là sự phát triển tất yếu khách quan của xã hội, chúng ta buộc phải làm như một cuộc cách mạng. Mọi sự thay đổi đều phải có giá nào đó mà chúng ta phải trả, vì rằng cái mới ra đời luôn phải đấu tranh với sự bảo thủ của cái cũ, nhưng tôi tin nó sẽ chiến thắng. Chúng ta đừng mong mọi chuyện đều giải quyết được dễ dàng mà không có sự đánh đổi.
Ý kiến của tôi có lẽ sẽ là trái chiều với không ít người đang sử dụng phương tiện cá nhân. Nhưng dù thế nào thì trái đất vẫn quay, thế giới vẫn đang vận động đi lên từng ngày, và chúng ta không thể cứ mãi ngồi yên một chỗ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.