Công ty cổ phần Sacom – Tuyền Lâm vừa gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị cho chuyển đổi 5,3 ha rừng thông ba lá trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm để làm khu nghỉ dưỡng cao cấp. Khu vực này là đất rừng phòng hộ môi trường cảnh quan TP Đà Lạt. Trữ lượng gỗ theo khảo sát là hơn 1.200 m3. Doanh nghiệp xin được nộp tiền cho diện tích xin chuyển đổi do không có điều kiện trồng rừng thay thế theo quy định.
Phản đối kiến nghị phá rừng làm khu nghỉ dưỡng, độc giả Anh Tuan phản biện: "Đà Lạt ngập chưa đủ hay sao? Bê tông hóa chưa đủ hay sao? Số lượng rừng thông giảm mạnh chưa đủ hay sao? Vậy mà giờ lại đi trình xin chuyển đổi rừng thông có chức năng phòng hộ thành khu nghỉ dưỡng cao cấp? Nghe có nghịch lý không? Chưa kể khu vực hồ Tuyền Lâm hiện nay đã là một trong những điểm tham quan, du lịch rất nổi tiếng của Đà Lạt rồi chứ không phải là chưa khai thác".
Đồng quan điểm, bạn đọc Quyet ND nhấn mạnh hậu quả khôn lường của hành động phá rừng phòng hộ: "Tác hại của việc chặt phá rừng đã rõ. Đà Lạt vốn là thành phố mộng mơ nay cũng chìm trong nước lũ. Tác hại của việc tàn phá rừng, san lấp, nắn dòng chảy khiến Đà Lạt đã không còn nguyên vẹn như xưa. Các nước châu Âu luôn tìm cách bảo vệ rừng, trong khi các doanh nghiệp của chúng ta chỉ nhăm nhe chặt phá rừng để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng. Sao không nghĩ cách làm du lịch thuận thiên? Tôi không đồng ý việc phá rừng vì nó sẽ biến hồ Tuyền Lâm thành hồ chết trong vài năm tới".
"Tiền có mua lại được thiên nhiên, mua được không khí trong lành, mua được cảnh quan đã mất không? Đà Lạt đã lãnh hậu quả của việc xây dựng bất chấp quy hoạch, tàn phá môi trường như thời gian qua. Rồi sẽ đến lúc chẳng ai muốn đến Đà Lạt nữa vì chẳng còn là nơi nghỉ dưỡng, du lịch lý tưởng như xưa, nếu cứ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế du lịch bất chấp hậu quả như bây giờ", độc giả Minh Nguyen cảnh báo.
>> 'Tô son trát phấn' cho Đà Lạt
Bày tỏ nỗi thất vọng khi nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp bị tàn phá để phục vụ du lịch, bạn đọc Dung Diep Xuan chia sẻ: "Cứ chỗ nào đẹp, có sông núi, ao hồ là người ta lại nghĩ tới việc xây dựng khu nghỉ dưỡng là sao? Sao không tạo ra hệ sinh thái thiên nhiên để người dân và khách du lịch khám phá trải nghiệm? Xu hướng đời sống công nghệ sẽ dần khiến con người muốn về với thiên nhiên. Hãy nhìn các nước phương Tây, chúng ta sẽ thấy được điều đó. Khách nước ngoài sang Việt Nam hầu hết đều để trải nghiệm và khám phá thiên nhiên, đất nước, con người, chứ không phải tận hưởng kiến trúc hiện đại - thứ mà ta có thể mất cả trăm năm nữa mới bằng họ".
Độc giả Henry mong muốn chính quyền Đà Lạt giữ lại rừng thay vì chạy theo du lịch "ăn xổi": "Rất mong chính quyền xem xét, không chấp nhận đề xuất này. Cả khu vực trung tâm Đà Lạt hiện đã quá tải xây dựng, thiếu nhiều mảng xanh. Khu vực Hồ Tuyền Lâm là nơi duy nhất gần Đà Lạt còn mảng xanh và không khí đặc trưng của Đà Lạt. Nếu khu vực này tiếp tục bị chia nhỏ, cắt xẻ để xây các công trình nghĩ dưỡng thì Đà Lạt sẽ 'nát' và không còn gì níu chân du khách đến nữa".
"Đã lâu rồi tôi không lên Đà Lạt vì các lý do sau: thành phố đã mất đi vẻ đẹp mộng mơ, e ấp; khí hậu Đà Lạt đã không còn lạnh như 15-20 năm trước đây; Đà Lạt đã bị bê tông hóa quá nhiều; nhịp sống sôi động và bon chen hơn trước... Phá bỏ rừng phòng hộ để làm khu nghỉ dưỡng là suy nghĩ rất ngắn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, khí hậu, cảnh quan của khu vực. Làm vậy chẳng khác nào tự vứt đi điều kiện tiên quyết để khách du lịch đến với Đà Lạt. Người ta đến nơi đây vì khí hậu tươi mát, trong lành, cảnh quan thiên nhiên, chứ không phải vì những resort hiện đại, sang trọng", bạn đọc Bui Xuan Phuc kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.