Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 5 tại Việt Nam, gây ra hơn 16.270 ca mắc mới, theo Globocan năm 2022. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, trong đó ba yếu tố dưới đây có ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) là tác nhân chính gây ra các bệnh như viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày. Nhiễm HP là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư biểu mô dạ dày. Theo bác sĩ Khanh, những tổn thương ở dạ dày do vi khuẩn này được hình thành trong nhiều năm và tiến triển tương đối chậm, có thể lên tới hơn 30 năm kể từ khi lây nhiễm cho tới khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.
HP tồn tại trong khoang miệng, nước bọt và mảng bám trên răng của người bệnh. Do đó, dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, ăn uống chung đụng... có thể lây nhiễm HP từ người này sang người khác. Trong môi trường axit đậm đặc của dạ dày con người, HP vẫn có khả năng tồn tại và phát triển. Chúng có thể lây nhiễm trong quá trình thực hiện nội soi dạ dày tại các cơ sở y tế không chính thống, dùng dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch sẽ.
Theo bác sĩ Khanh, Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm HP cao. Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm HP cũng mắc bệnh ung thư dạ dày, chỉ những loại mang gene CagA, Vac A có độc lực cao mới làm tăng nguy cơ. Trong một số trường hợp, HP vô hại và không gây ra các triệu chứng, được xem là vi khuẩn cộng sinh, đôi khi có tác dụng nhất định như tiết ra các chất ngăn chặn vi khuẩn khác phát triển, giảm khả năng nhiễm trùng đường ruột. Các triệu chứng trào ngược đôi khi tăng sau khi diệt HP hay bệnh lý về dị ứng phấn hoa, bụi phấn... giảm ở người nhiễm loại vi khuẩn này.
Môi trường và thói quen sinh hoạt
Chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong cơ chế sinh bệnh ung thư dạ dày. Chẳng hạn ăn ít chất xơ, nhiều muối, tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, uống rượu bia thường xuyên... Thói quen ăn mặn, nạp quá nhiều muối vào cơ thể cũng tạo điều kiện cho ung thư dạ dày phát triển. Những người hút thuốc lá hơn 20 điếu mỗi ngày có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn người không hút thuốc.
Người làm các nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, nitơ oxit, hợp chất N-nitroso và bức xạ cũng để lại những tác động lâu dài lên sức khỏe, dễ hình thành khối u ác tính hơn.

Thường xuyên hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Ảnh: Ly Nguyễn
Di truyền
Một số người bị đột biến gene được di truyền từ bố mẹ làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày. "Dù các trường hợp này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong các số ca ung thư dạ dày, song nguy cơ lại rất cao", bác sĩ Khanh nói. Các hội chứng di truyền bao gồm đột biến gene CDH1, bệnh polyp tuyến gia đình, hội chứng Lynch cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
Bác sĩ Khanh cho biết ngoài ba yếu tố kể trên, các yếu tố khác có nguy cơ gây ung thư dạ dày như tuổi ngoài 45-50; nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới; thừa cân, béo phì; người bị viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc...
Tầm soát ung thư dạ dày định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm, tăng khả năng điều trị thành công, tỷ lệ sống cao. Bác sĩ Khanh khuyến cáo tầm soát ung thư từ độ tuổi 45, ít nhất mỗi năm một lần, đặc biệt là người có các yếu tố nguy cơ cao.
Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học; tránh tiếp xúc với tác nhân gây hại từ môi trường; ăn nhạt, ăn chín uống sôi, dinh dưỡng cân bằng; hạn chế rượu bia và thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất bảo quản. Không hút thuốc lá; giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ. Tập luyện thể thao để duy trì cân nặng hợp lý và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |