Trí nhớ và khả năng tập trung có thể có thể thay đổi theo thời gian, nhất là khi chúng ta già đi. Một số cách dưới đây có thể giúp mọi người nhớ lâu hơn.
Ăn thực phẩm lành mạnh
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, nhất là khi cao tuổi. Theo đánh giá năm 2023 của Đại học Y khoa Rosalind Franklin, Mỹ, dựa vào 204 nghiên cứu, trên hơn 8.000 người, chế độ ăn Địa Trung Hải, DASH và kết hợp cả hai chế độ ăn này (MIND) làm chậm thoái hóa thần kinh, duy trì trí nhớ và khả năng nhận thức. Người tham gia nghiên cứu cũng có thể phòng ngừa bệnh Alzheimer hoặc chứng sa sút trí tuệ liên quan đến tuổi tác.
Các chế độ ăn này rất giàu rau củ quả tươi, protein lành mạnh (protein thực vật và nạc động vật), vitamin E và C, axit béo omega-3, chất xơ. Thực phẩm nên ăn như rau bina, cải xoăn, rau xanh lá, đậu, hạt (quả óc chó, hạnh nhân), quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi), táo, lê, cam, dầu ô liu, cá hồi và hải sản, thịt gia cầm không da.
Thức ăn không tốt như bánh, kẹo, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, bơ sữa, đồ uống có đường nên hạn chế.
Nghiên cứu năm 2016 của Đại học Arizona, Mỹ, trên 140 sinh viên, cho thấy tiêu thụ caffeine từ cà phê hoặc trà có tác động tích cực đến trí nhớ. Caffeine giúp họ cải thiện khả năng ghi nhớ rõ ràng trong những thời điểm trí nhớ không tối ưu như sáng sớm.
Chơi các trò trí tuệ
Chơi các trò giải trí và kích hoạt trí óc giúp cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ. Nghiên cứu năm 2019 của Đại học Hoàng gia London, Anh, trên hơn 60.000 người, cho thấy người thường xuyên chơi các trò chơi rèn luyện trí não, chức năng logic, lý luận, nhận thức đạt điểm ghi nhớ cao hơn. Một số trò chơi trí tuệ phổ biến giúp cải thiện trí nhớ như sudoku, câu đố ô chữ...
Thói quen lối sống lành mạnh
Ngoài chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, các thói quen sinh hoạt có thể ảnh hưởng tích cực đến trí nhớ và sự tập trung.
Ngủ đủ giấc: Não hoạt động để củng cố ký ức, làm cho chúng tồn tại lâu dài trong khi ngủ. Theo đánh giá năm 2022 của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc, dựa trên hơn 90 nghiên cứu, người ngủ không đủ giấc có khả năng thực hiện các nhiệm vụ ghi kém hơn.
Thiếu ngủ làm suy giảm trí nhớ dài hạn và khả năng kiểm soát nhận thức. Người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng và tối đa 9 tiếng mỗi đêm để nhận thức tốt hơn.
Quản lý căng thẳng: Năm 2016, đánh 111 nghiên cứu, các nhà khoa học của Đại học Hamburg, Đức, chỉ ra căng thẳng có ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, chất lượng và quá trình phục trí nhớ. Cách giúp giảm stress như thở sâu, thiền, yoga, đi dạo, tắm, giao lưu bạn bè.
Tránh rượu: Uống rượu ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, có thể gây mất trí nhớ do rượu. Người uống nhiều rượu cũng có khả năng cao suy giảm trí nhớ từ nhẹ đến nặng.
Trong một số trường hợp, tình trạng mất trí nhớ thường khó hoặc không thể kiểm soát. Ví dụ người trên 70 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer, Parkinson, suy giảm nhận thức nhẹ.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |