Trả lời:
Trường hợp thai phụ ốm nghén chỉ ăn được hoa quả chấm muối gợi ý tình trạng nghén, mẹ bầu chán ăn, dẫn đến thiếu chất cho mẹ và bé. Ngoài ra, cảm giác thèm muối có thể xuất phát từ nguyên nhân mẹ bầu ốm nghén, nôn ói nhiều dẫn đến cơ thể thiếu dinh dưỡng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng khuyến cáo tại Việt Nam đang có tình trạng ăn thừa muối, 9,4 gam muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị. Điều này làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.
Theo bác sĩ Hoàng Duy, phụ nữ mang thai ăn nhiều muối có thể gây tăng huyết áp trong thai kỳ. Nếu mẹ bầu có chỉ số huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg tức đang gặp phải tình trạng tăng huyết áp.
Người mẹ bị tăng huyết áp thường có tình trạng máu nuôi kém, thai nhi có thể bị nhẹ cân hay suy dinh dưỡng. Nếu không kiểm soát tốt có thể gây tình trạng sinh non, thai chết lưu, chấm dứt thai kỳ sớm.
Bên cạnh đó, nếu không kiểm soát được việc thèm ăn mặn, chị em có thể đối mặt nguy cơ tích nước và muối dẫn đến phù nề, buồn nôn. Họ luôn trong tình trạng khát nước, dinh dưỡng mất đi sự cân bằng, cơ thể yếu hơn. Nghiêm trọng hơn, ăn quá mặn có thể làm nặng thêm tình trạng cao huyết áp, gây nguy cơ nhiễm độc thai nghén, làm suy yếu chức năng thận khi trẻ chào đời.
Để khắc phục tình trạng nghén mặn kéo dài, phụ nữ mang thai cần tyhay đổi cách chế biến món ăn, không nêm nhiều muối vào thức ăn. Chị em tăng cường món ăn có nhiều chất xơ, vitamin cho cơ thể; sử dụng nhiều món luộc thay vì các món xào, kho, các loại thịt muối, đồ muối chua, cá khô, các loại mắm... Chị em cũng cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, hoa quả sấy khô, khoai tây rán, bánh quy mặn, ô mai..., bổ sung thêm sản phẩm từ thịt, cá, trứng, sữa, kết hợp ăn thêm nhiều rau xanh và trái cây tươi.
Mẹ bầu cũng nên trang bị máy đo huyết áp tại nhà nhằm phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp thai kỳ.
ThS.BSNT Lâm Hoàng Duy
Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM