Trả lời:
100 g trứng ngỗng có khoảng 13 g protein, 14,2 g lipid, 360 mcg vitamin A, 71 mg canxi, 210 mg phốt pho, 3,2 mg sắt, 0,15 mg vitamin B1, 0,3 mg vitamin B2, 0,1 mg vitamin PP. Nếu không có chỉ định khác của bác sĩ, bạn nên ăn trứng kết hợp các loại thực phẩm khác, cân bằng các nhóm chất quan trọng gồm đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Mỗi tuần, thai phụ chỉ nên ăn 1-2 trứng ngỗng.
Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh lợi ích của trứng ngỗng đối với phát triển trí não của thai nhi. Mỗi thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau và không có loại nào chứa đủ tất cả chất. Kích thước và trọng lượng trứng ngỗng thường to, nặng gấp 3-4 lần trứng gà. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng tương đương hoặc xấp xỉ trứng gà. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ 360 mcg, còn trứng gà là 700 mcg.
Vitamin A giúp thai phụ tăng cường sức đề kháng, cải thiện thị lực. Loại vitamin này hỗ trợ tế bào phôi thai phát triển và biệt hóa tốt hơn, góp phần quan trọng vào quá trình hình thành mắt, xương của thai nhi.
Trứng ngỗng có nhiều cholesterol và lipid. Nếu bạn ăn quá nhiều cùng một lúc có thể gây đầy hơi, khó tiêu, ợ chua. Thời gian dài ăn trứng ngỗng kéo dài còn làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của thai nhi.
Bạn nên khám thai định kỳ theo lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa sản. Uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, lo âu hoặc phấn khích quá mức. Không uống rượu bia hoặc các chất kích thích, tránh xa khói thuốc lá. Khám dinh dưỡng thai kỳ, xét nghiệm vi chất trong cơ thể bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để xác định cơ thể đang thiếu, thừa dưỡng chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |