Axit uric là hoạt chất được tạo ra trong cơ thể do quá trình thoái hóa các nhân purin (có trong thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật, trái cây và rau củ...). Axit uric sau khi được hòa tan trong máu sẽ đến thận. Thận tiếp tục thực hiện quá trình bài tiết qua nước tiểu.
Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Kim Thanh (Trung tâm Tiết niệu Thận học, BVĐK Tâm Anh TP HCM) cho hay bình thường nồng độ axit uric trong máu của người khỏe mạnh là dưới 7mg/dl với nam và dưới 6 mg/dl với nữ. Cơ thể cũng duy trì sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đào thải axit uric. Tuy nhiên, khi hai quá trình này mất cân bằng, nguồn tạo axit uric nhiều hơn nguồn đào thải sẽ gây ra tình trạng tăng axit uric máu.
Nồng độ axit uric gia tăng có thể lắng đọng tại một số bộ phận trong cơ thể và gây bệnh. Nếu axit uric lắng đọng tại khớp và những mô mềm quanh khớp thì có thể gây bệnh gout; lắng đọng ở thận sẽ hình thành sỏi urat ở thận, tổn thương thận, màng lọc thận, suy thận cấp, tiến triển bệnh thận mạn, sỏi niệu quản... Lượng axit uric tăng cao còn làm tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp).
Bác sĩ Thanh chia sẻ, một trong những cách để khắc phục nồng độ axit uric cao trong cơ thể là hạn chế những thức ăn có chứa hàm lượng axit uric cao. Đối với trái cây, cần tránh những loại quả có hàm lượng natri, kali, purin, đường fructose cao bởi chúng có thể kích thích sản xuất axit uric trong máu. Nếu người bệnh không có các bệnh lý cần hạn chế ăn trái cây như suy thận nặng, đái tháo đường... thì vẫn có thể uống hoặc ăn trái cây theo tư vấn của bác sĩ.
Nhóm trái cây nên tránh
Trái cây nhiều natri: Cơ thể thu nạp nhiều natri sẽ làm tăng huyết áp và đẩy nhanh tiến triển của bệnh thận. Do đó, những thực phẩm chứa nhiều natri như trái cây đóng hộp, ngâm muối... nên loại trừ khỏi thực đơn người bệnh thận.
Trái cây chứa nhiều kali: Ở người bệnh suy thận khả năng đào thải kali qua nước tiểu bị suy giảm, dẫn đến tình trạng tăng kali trong máu. Người bệnh suy thận nên kiêng các loại rau quả nhiều kali như những loại quả khô, sầu riêng, nho, mơ, cam, chuối, bơ, cà chua...
Trái cây chứa purin: Purin sau khi trải qua quá trình phân hủy của cơ thể sẽ tạo ra axit uric. Do đó, cần tránh những loại trái cây chứa purin như nước ép trái cây đóng hộp hoặc chế biến sẵn... để ngăn tình trạng tăng axit uric trong máu.
Trái cây nhiều đường fructose: Fructose là đường tự nhiên có trong nhiều loại trái cây và rau quả nhưng lại là một trong những thành phần làm tăng sản xuất axit uric trong máu. Nhóm thực phẩm chứa nhiều fructose gồm nho khô, chà là, mứt mận, mứt me...
Nhóm trái cây nên ăn
Táo: Trái cây này chứa những dưỡng chất cần thiết cho người suy thận như giàu pectin (chất xơ hòa tan hữu ích trong việc thuyên giảm và duy trì mức cholesterol, đường huyết), chất chống oxy hóa dồi dào (hoạt chất quercetin trong táo bảo vệ tế bào não trước các tổn thương gây ra bởi tình trạng suy thận), giàu vitamin C (giúp những tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả).
Việt quất: Là loại trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin, mangan và chất chống oxy hóa. Loại quả này chứa rất ít natri, kali, photpho nên rất phù hợp với người bệnh suy thận. Bạn có thể ăn trực tiếp, sấy khô hoặc làm nước ép.
Dâu tây: Loại quả mọng này chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như vitamin B9 (folate), vitamin C, mangan, chất xơ hòa tan và nhiều chất chống oxy hóa mạnh như anthocyanin và ellagitannin. Anthocyanin có khả năng bảo vệ cấu trúc tế bào cơ thể, ngăn chặn các tổn thương do gốc tự do phát sinh, bao gồm ung thư.
Cùng với việc hạn chế ăn thực phẩm, trái cây làm tăng hàm lượng axit uric, người bệnh nên đi khám chuyên khoa tiết niệu - thận học khi thấy có các biểu hiện của tình trạng tăng axit uric như đau khớp sau khi ăn (thường ở ngón chân cái), đau quặn thận (từ lưng lan xuống bẹn), đau cơ quan sinh dục, tiểu máu, tiểu đêm nhiều lần, khát nước (vào buổi tối trước khi đi ngủ)... Bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng, tình trạng thể chất và xem xét việc chỉ định người bệnh thực hiện những xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh... để đưa ra hướng điều trị phù hợp nếu có biểu hiện của bệnh thận.
Chang Chang