Xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy chỉ số bạch cầu (WBC) và chỉ số CRP (đánh giá tình trạng viêm trong cơ thể) của bệnh nhân tăng gấp đôi bình thường.
Ngày 24/8, BS.CKI Nguyễn Văn Phúc, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết hai ngực của người bệnh có nhiều ổ áp xe, viêm mô tế bào do tắc sữa lâu ngày có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng. Đây là hậu quả của viêm tắc tuyến sữa không được điều trị sớm. Bệnh nhân được phẫu thuật rút ra khoảng 500 ml dịch mủ.
Tắc tia sữa dẫn tới áp xe tuyến vú là bệnh thường gặp hậu sản, có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong thời gian cho con bú. Mỗi tháng Trung tâm Sản Phụ khoa điều trị cho khoảng 30-40 trường hợp, nhiều bệnh nhân phải thực hiện thủ thuật dẫn lưu dịch mủ ổ áp xe như chị Hoa.
Nguyên nhân thường là người mẹ cho con bú sai cách, điều tiết sữa mẹ chưa hợp lý cũng có thể gây ra tình trạng này. Một số sản phụ cho bé sơ sinh ăn dặm thêm sữa công thức khiến sữa mẹ không được bú cạn, sữa ngưng đọng gây căng bầu ngực và tắc.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo người mẹ có các dấu hiệu bầu ngực đau tăng dần, không tiết sữa hoặc tiết rất ít, căng cứng... cần đi khám. Không nên tự điều trị vì trong giai đoạn viêm tắc tia sữa điều trị đúng và kịp thời giúp phục hồi tốt. Trì hoãn có thể khiến tình trạng viêm nặng hơn, diễn tiến áp xe hóa tổn thương nhiều nhu mô tuyến vú.
Để phòng nguy cơ áp xe ngực, sau sinh con 3-5 ngày, sản phụ cần sử dụng biện pháp thông tắc tia sữa. Giai đoạn này, cơ thể sản xuất nhiều sữa hơn nên cần massage, chườm lạnh bầu ngực.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |