Hạt chia, một loại thực phẩm khá thông dụng hiện nay, được sử dụng đa dạng trong chế biến món ăn và phù hợp với nhiều lứa tuổi. Theo nhiều nghiên cứu, hạt chia có một số tác dụng có lợi đối với sức khỏe tiêu hóa như cải thiện sức khỏe mô ruột, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột có lợi (hệ thực vật), thay đổi sự hấp thụ của một số thành phần trong chế độ ăn uống và giảm táo bón.
Tác động có lợi
Hạt chia có thể có tác dụng hữu ích đối với sức khỏe đường ruột, hệ vi khuẩn đường ruột và khả năng hấp thụ. Hàm lượng chất xơ trong hạt chia giúp giảm các triệu chứng của táo bón mạn tính và hội chứng ruột kích thích.
Chất xơ trong hạt chia có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp cơ thể có nhiều thời gian hơn để hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng TH Chan (Đại học Harvard, Mỹ) năm 2020, báo cáo rằng hạt chia làm giảm sự hấp thụ cholesterol và đường trong chế độ ăn uống. Điều này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường.
Hạt chia có hàm lượng chất xơ lớn có tác dụng nhuận tràng. Bên cạnh đó hạt chia còn hấp thụ nhiều nước. Khi hấp thụ nước chúng có độ sệt giống như gel, bổ sung khối lượng và trọng lượng cho phân, làm mềm phân giúp việc đi ngoài dễ dàng hơn.
Ngoài ra, hạt chia còn có một số lợi ích sức khỏe khác như chống viêm, chống oxy hóa, chống lại các hợp chất không ổn định có thể gây bệnh như chất chống đông máu, giảm chất béo trung tính và cải thiện cholesterol cao, hạ đường huyết sau bữa ăn, cải thiện huyết áp cao...
Tác dụng phụ và rủi ro
Bên cạnh những lợi ích mà hạt chia mang lại cho sức khỏe tiêu hóa, nhiều nghiên cứu cho biết dùng hạt chia không đúng cách hay dùng quá nhiều hạt chia có thể dẫn đến các tác dụng phụ và rủi ro không mong muốn. Ăn hoặc bổ sung quá nhiều chất xơ có thể dẫn đến đầy hơi, phình bụng, chuột rút ở bụng hoặc tiêu chảy.
Chất xơ trong hạt chia cũng có thể cản trở cơ thể hấp thụ các khoáng chất quan trọng khác như sắt, kẽm, magie, canxi.
Theo Eat This, Not That với những người chưa quen, khi mới sử dụng hạt chia có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa vì hạt chia có đặc trưng giàu chất xơ. Hạt chia có hàm lượng chất xơ không hòa tan cao (chiếm 50% thành phần dinh dưỡng của hạt) nên khi ăn nhiều có thể bị đầy hơi. Khi dùng hạt chia ngâm với quá nhiều nước và ăn quá nhiều hạt chia dễ gây ra tình trạng đầy hơi. Do vậy, một ngày chỉ nên ăn không quá 2 thìa hạt chia.
Nếu hệ tiêu hóa đang có các vấn đề về dạ dày nên cân nhắc khi sử dụng loại hạt này.
Hạt chia thường được sử dụng ăn kèm trong các món như sinh tố, bánh pudding, ngũ cốc, salad và bánh nướng.
Anh Chi (Theo VeryWellHealth, Eat This, Not That)