Sỏi mật bao gồm sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, sỏi trong gan, một số trường hợp sỏi có thể xuất hiện ở 2-3 vị trí trên. Nguyên nhân hình thành sỏi túi mật chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa làm mất cân bằng các thành phần dịch mật trong túi mật, tăng cholesterol dẫn đến hình thành các tinh thể trong túi mật.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ tạo sỏi mật như viêm nhiễm, ứ đọng do ăn kiêng không đúng cách, lười vận động, béo phì, ăn nhiều chất béo và cholesterol, nhưng lại ít chất xơ. Các loại thuốc hạ mỡ máu, hạ cholesterol máu, thuốc tránh thai, thuốc hỗ trợ sinh sản cũng có liên quan đến quá trình hình thành sỏi mật.
TS.BS Phạm Công Khánh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ áp dụng cách đẩy sỏi mật ra ngoài bằng nội khoa hoặc ngoại khoa như dùng thuốc axit ursodeoxycholic (thuốc thông mật, tan sỏi mật), thuốc kháng sinh, thuốc lợi mật.
Bệnh sỏi mật vẫn có nguy cơ tái phát khi người bệnh ngừng thuốc. Người bệnh nên kết hợp điều trị nội khoa với thay đổi chế độ ăn uống, dinh dưỡng lành mạnh để đánh tan sỏi mật, phòng ngừa biến chứng. Một số thực phẩm dưới đây có thể hữu ích.
Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ liên kết với dịch mật ở tá tràng và ruột non, tăng cường vận chuyển thức ăn qua ruột, nhờ đó giảm sản xuất axit mật thứ cấp, hỗ trợ điều trị sỏi mật, phòng viêm túi mật. Người bệnh nên tăng cường thực phẩm giàu chất xơ từ trái cây, rau lá xanh, cây họ đậu, các loại hạt, ngũ cốc...
Chất béo không bão hòa: Cá biển, dầu ô liu, dầu hướng dương, quả hạnh nhân, quả bơ, các loại hạt có nhiều loại chất béo này.
Chất béo không bão hòa tốt cho cơ thể, giúp dịch mật sản xuất, kích thích tăng tiết và bài xuất dịch mật, ngoài ra còn làm giảm một số vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E.
Thịt nạc giàu protein: Người bệnh nên ưu tiên các loại thịt lợn nạc, thịt bò thăn ít chất béo. Tăng cường một số chất béo tốt có trong cá chép, cá trê, cá hồi, cá mòi, thực phẩm giàu đạm từ thực vật như đậu nành, đậu phụ, đậu lăng, nấm... cũng là lựa chọn phù hợp.
Trái cây giàu vitamin: Quýt, cam cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của người bệnh gan mật. Vitamin C, magie và folate trong trái cây có vai trò quan trọng trong quá trình loại bỏ sỏi khỏi cơ thể.
Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt, bột yến mạch có hàm lượng lớn chất xơ không hòa tan. Chất này có khả năng làm giảm lượng cholesterol LDL (cholesterol xấu) trong cơ thể, tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch, quá trình phòng ngừa và đào thải sỏi mật ra ngoài.
Sữa ít béo: Sữa nhiều chất béo nguyên kem, nguyên bơ và phô mai ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của người bị sỏi mật, có thể dẫn đến đầy hơi, khó tiêu. Ưu tiên dùng sữa ít béo, tách béo như sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa yến mạch... vừa đảm bảo dinh dưỡng cho người sỏi mật, vừa là giải pháp hỗ trợ đào thải sỏi mật.
Theo bác sĩ Khánh, người bệnh cần hạn chế món ăn giàu chất béo bão hòa vì nguy cơ cao hình thành sỏi mật. Kết hợp xây dựng lối sống lành mạnh, duy trì tập luyện thể dục thường xuyên (ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần), không nên áp dụng chế độ ăn kiêng, giảm cân nhanh.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo người bệnh nên duy trì khám sức khỏe tổng quát định kỳ để được bác sĩ chuyên khoa gan mật tụy tư vấn, phòng ngừa sỏi mật gây biến chứng như viêm túi mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, tránh phẫu thuật.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |