Trả lời:
Trung bình một trứng vịt lộn nặng 102 g có thể cung cấp cho cơ thể 188 calo. Năng lượng chủ yếu gồm 1,5 g chất đường bột (carbohydrate), 14 g chất béo và 13 g chất đạm. Chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL) trong món ăn này đều bằng 0.
Người bệnh đái tháo đường ăn trứng vịt lộn gần như không làm tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, bạn không nên ăn hơn một quả trứng vịt lộn mỗi ngày, mỗi tuần không quá ba quả.
Một quả trứng vịt lộn có thể chứa 600 mg cholesterol, cao gấp hai lần giới hạn an toàn về hàm lượng cholesterol mà một người được khuyến nghị tiêu thụ mỗi ngày. Lạm dụng món này làm khiến nồng độ cholesterol xấu trong máu cao - tác nhân làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, thúc đẩy bệnh đái tháo đường nặng hơn hoặc biến chứng.
Ăn trứng vịt lộn với hàm lượng vừa phải mang đến tác dụng tích cực cho sức khỏe. Món ăn giàu protein, cung cấp đủ 9 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được. Axit amin giúp xây dựng, sửa chữa các mô tổn thương, trong đó có mô bị viêm do sự tấn công của gốc tự do, hỗ trợ dự phòng sớm biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Axit amin trong trứng vịt lộn góp phần duy trì cân bằng nội môi glucose, ảnh hưởng tích cực đến quá trình hình thành, cân bằng insulin (loại hormone giúp điều hòa đường huyết). Chất dinh dưỡng trong món ăn này cũng hỗ trợ vận chuyển glucose ở tế bào cơ, sản xuất glucose ở tế bào gan. Bổ sung đầy đủ axit amin giúp tế bào chuyển hóa glucose thành năng lượng, từ đó góp phần hạ đường huyết, làm chậm mức độ tiến triển của tình trạng kháng insulin - nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường type 2.
Trứng vịt lộn còn chứa nhiều vitamin A, B, khoáng chất như sắt, canxi. Tác dụng là tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tuần hoàn máu trong cơ thể, góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể. Khi ăn trứng vịt lộn, bạn nên kết hợp với thực phẩm giàu chất xơ và chất béo lành mạnh, ưu tiên hấp hoặc luộc. Hạn chế hoặc tránh kết hợp vịt lộn với món lăn bột chiên xù hoặc xào, nấu, nướng với nước sốt me, sốt muối ớt. Mục đích là hạn chế hấp thụ thêm lượng carbohydrate, chất béo hoặc muối - các chất có thể thúc đẩy bệnh tăng nặng.
Mỗi người bệnh có cơ địa, mức độ hấp thu, tình trạng đường huyết, bệnh nền khác nhau. Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường hoặc dinh dưỡng trước khi bổ sung món ăn này vào chế độ dinh dưỡng.
Người bệnh nên dùng thuốc theo toa, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, tuân thủ chế độ ăn kiêng, kiểm soát cân nặng hợp lý theo tư vấn của bác sĩ. Bổ sung tinh chất thiên nhiên như GDL-5 (chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ) góp phần giảm cholesterol toàn phần, hạn chế nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch, từ đó giảm nguy cơ biến chứng do đái tháo đường.
Người bệnh đái tháo đường nên đi khám dinh dưỡng, đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770, xét nghiệm vi chất chuyên sâu bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để biết cơ thể đang thiếu hay thừa chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, quản lý tốt đường huyết.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |