Mỡ máu cao hay rối loạn mỡ máu là tình trạng một hoặc nhiều thông số lipid bị rối loạn như tăng triglyceride (chất béo trung tính), giảm HDL (cholesterol tốt) hoặc tăng LDL (cholesterol xấu).
Chế độ ăn uống thiếu khoa học là nguyên nhân gây tăng mỡ máu, thúc đẩy bệnh tiến triển. Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Vĩnh Bình, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết dưới đây là 5 nguyên tắc dinh dưỡng người bệnh cần lưu ý.
Tăng lượng chất xơ hòa tan: Đây là dạng chất xơ tan trong nước, giúp cơ thể giảm cholesterol xấu. Trung bình một người cần cung cấp 10-25 g chất xơ hòa tan mỗi ngày; có thể tăng cường loại chất xơ này qua thực phẩm như táo, mâm xôi, trái cây họ cam quýt, yến mạch và gạo lứt.
Hạn chế ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Chúng đều là chất béo không lành mạnh đối với sức khỏe. Thường xuyên tiêu thụ chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt và có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thực phẩm chứa hai loại chất béo này là mỡ và da động vật, thịt đỏ, xúc xích, thịt xông khói, dầu cọ, dầu dừa, sữa nguyên kem, đồ chiên xào... Người bị rối loạn mỡ máu nên hạn chế những món ăn này để kiểm soát các chỉ số lipid máu.
Tăng tiêu thụ các loại hạt: Các loại hạt cung cấp lượng lớn chất xơ, axit béo omega-3 và chất béo không bão hòa. Tất cả đều phối hợp với nhau để giảm chất béo trung tính trong máu. Thường xuyên ăn hạnh nhân, óc chó, hạt chia giúp ổn định cholesterol trong máu. Tuy nhiên, chúng có hàm lượng calo tương đối cao, thế nên mọi người chỉ nên thêm một ít hạt vào món salad hoặc ăn như món nhẹ. Lạm dụng thực phẩm này có thể phản tác dụng.
Hạn chế đường: Lượng đường trong bánh kẹo và nước ngọt có thể chuyển thành chất béo trung tính, dẫn đến sự gia tăng triglyceride trong máu cùng với các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch khác. Những thay đổi nhỏ như thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc cũng làm giảm chất béo trung tính ở một số người.
Tăng lượng protein thực vật từ đậu nành: Đậu nành giàu hợp chất thực vật isoflavone có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Loại thực phẩm này làm giảm LDL-cholesterol và triglyceride trong máu. Người bị rối loạn mỡ máu nên dùng đậu nành nguyên bản, ít chế biến như đậu nành luộc, sữa đậu nành, thay vì sử dụng đậu nành đã qua chế biến.
Bác sĩ Bình khuyến cáo người có mỡ máu cao cũng cần ăn nhiều trái cây, rau củ, tránh đồ uống có cồn để giảm mỡ máu cao. Bổ sung tinh chất thiên nhiên như GDL-5 từ phấn mía Nam Mỹ có tác dụng điều hòa cholesterol tự nhiên, cải thiện hoạt động của các receptor (thụ thể tế bào). Từ đó lượng mỡ trong máu được điều hòa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do mỡ máu cao.
Thế Chương
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |