Chà là có lợi cho người tiểu đường do chỉ số đường huyết (GI) thấp. Các nhà khoa học tại Đại học Tabuk (Arab Saudi) đã phân tích hơn 900 nghiên cứu về quả chà là. Trong đó, có 400 người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường, tiêu thụ chà là từ một ngày đến 12 tuần. Kết quả cho thấy mức đường huyết lúc đói và sau ăn của họ giảm. 13 hợp chất phenolic trong quả này ở hàm lượng cao, ức chế các enzym phân hủy carbohydrate thành glucose (đường).
Năm 2020, các nhà nghiên cứu của Đại học Bahrain (Bahrain) chia 100 người bệnh tiểu đường type 2 thành hai nhóm. Một nhóm ăn ba quả chà là mỗi ngày và nhóm còn lại không ăn quả này. Sau 16 tuần, nhóm ăn chà là có mức cholesterol xấu (LDL) và chất béo trung tính giảm. Cholesterol tốt (HDL) tăng, chỉ số A1C (đường huyết trung bình trong ba tháng) được cải thiện.
Theo các nhà nghiên cứu, chà là có hàm lượng polyphenolic cao, không ảnh hưởng đường huyết nếu ăn vừa phải. Hợp chất polyphenolic ức chế các enzym thủy phân carbohydrate thành glucose, giảm tình trạng tăng đường huyết sau ăn.
Nó cũng chứa các chất hóa học thực vật không dinh dưỡng có hoạt tính sinh học như carotenoid, polyphenol, axit phenolic và flavonoid. Chúng hoạt động giống như chất chống oxy hóa mạnh, giúp hạ đường huyết, giảm viêm, có khả năng chống lại bệnh tiểu đường. Hàm lượng chất xơ và phenol cao cũng góp phần ngăn ngừa các bệnh mạn tính như tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.

Quà chà sấy khô. Ảnh: Freepik
Hiệp Tiểu đường Mỹ khuyến nghị quả chà là có thể thay thế chất làm ngọt khác trong chế độ ăn kiêng với lượng phù hợp. Người bệnh nên quả khô với khẩu phần nhỏ hơn.
Bệnh nhân tiểu đường cần đếm lượng carbohydrate (carb) tiêu thụ hàng ngày. Một quả chà là cung cấp khoảng 18 g carb, khoảng 2-3 quả này một ngày là phù hợp. Kết hợp chà là với bột yến mạch, sữa chua để tạo thành món ăn nhẹ. Thêm chúng vào bữa ăn cân bằng protein, chất xơ, chất béo lành mạnh tốt cho sức khỏe người tiểu đường.
Mai Cat (Theo Everyday Health)