Nhiều nghiên cứu cho thấy ớt là gia vị tốt cho sức khỏe. Dù vậy, nhiều người vẫn còn nghi ngại ăn ớt gây hại cho dạ dày. Bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết, ớt không phải tác nhân gây viêm loét dạ dày. Chất capsaicin có trong ớt đã được chứng minh là có khả năng ức chế vi khuẩn helicobacter pylori - nguyên nhân phổ biến gây ra vết loét dạ dày. Capsaicin trong ớt còn có lợi cho người bệnh ung thư dạ dày và ung thư tuyến tiền liệt, có khả năng tấn công trung tâm năng lượng của các tế bào ung thư, qua đó, hỗ trợ tiêu diệt tế bào ác tính.
Tuy nhiên, capsaicin gây nóng khi tiếp xúc. Nếu bạn ăn ớt ở một lượng vừa phải, dạ dày vẫn có khả năng tự bảo vệ. Dùng ớt trong thực đơn hàng ngày với số lượng hợp lý không ảnh hưởng đến dạ dày, chẳng hạn người trưởng thành chỉ nên ăn không quá một quả ớt cỡ vừa hoặc 1-2 ngày một lần ăn (khoảng 10 gram). Khi dùng quá nhiều sẽ bị phản tác dụng. Triệu chứng nhận biết khi dạ dày phản ứng bất lợi với ớt là viêm dạ dày, buồn nôn, nôn, ợ chua, cảm giác nóng rát ở dạ dày, dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, bỏng rát sau xương ức.
Một số trường hợp ăn quá nhiều ớt có thể gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa, đường ruột. Chất capsaicin trong ớt khi nạp quá nhiều có thể gây rối loạn tiêu hóa, dẫn tới tình trạng tiêu chảy.
Bác sĩ Hoài Phương chia sẻ thêm, người mắc các bệnh lý về tim, não, huyết quản hay huyết áp cao đều không nên ăn ớt. Tuy ớt có thể giúp phòng ngừa ung thư dạ dày nhưng người bệnh viêm loét dạ dày lại không nên dùng. Vì gia vị này có thể làm triệu chứng bệnh trầm trọng hơn. Vị cay trong ớt có khả năng kháng khuẩn mạnh nên sẽ làm những vết thương bị phỏng nặng khi tiếp xúc. Khi sơ chế ớt nếu không cẩn thận, bạn có thể bị phỏng da. Vì thế, nếu bị viêm loét dạ dày hay vùng họng, người bệnh cần thận trọng khi dùng gia vị này.
Khi dùng gia vị này, bạn không nên ăn quá nhiều, cần ăn những thực phẩm nhẹ trước khi ăn ớt để không gây hại cho dạ dày. Bạn nên làm chín ớt để giảm các kích thích tại niêm mạc miệng, hạn chế tình trạng khó tiêu, đầy bụng và đau dạ dày.
Việc dùng xen kẽ món cay với những món khác sẽ giúp giảm tác hại của capsaicin khi nạp quá nhiều vào cơ thể. Ngoài ra, bạn nên ăn món cay khi để nguội để tránh tổn hại tới dạ dày, thực quản, vòm họng, phỏng lưỡi, gây tê liệt tạm thời vị giác. Sau khi ăn cay nên uống thêm sữa tươi, sữa chua, trà giải nhiệt... giúp giảm bớt tình trạng cay nóng. Ăn những loại trái cây có vị chua cũng là cách giảm vị cay đầu lưỡi.
Trúc Anh