Não bộ chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể con người nhưng lại tiêu thụ đến 20% nhu cầu năng lượng và oxy của toàn cơ thể. Để cơ quan này khỏe mạnh, hoạt động trơn tru, linh hoạt, mọi người cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng khác nhau.
Nhiều người có quan niệm "ăn gì bổ nấy", thường gặp nhất là ăn óc động vật (như óc heo) giúp bổ não, tăng cường trí nhớ. Tuy nhiên, chỉ riêng óc heo hoặc óc các loại động vật khác không thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng về dinh dưỡng và năng lượng cho não hoạt động. Não cần đa dạng các dưỡng chất khác nhau để duy trì chức năng, từ chất bột đường, chất béo đến các vitamin C, B, D, E, các chất kẽm, sắt, phospholipid, lexithin... Cơ quan này cũng cần bổ sung các dưỡng chất giúp chống lại gốc tự do - yếu tố nguy hại làm tổn thương các tế bào thần kinh, ngăn cản máu vận chuyển oxy và dưỡng chất đến não, gây rối loạn chức năng não, suy giảm trí nhớ, khó tập trung.
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, trong 100 g óc heo có gần 2.200 mg cholesterol, trong khi nhu cầu cholesterol mỗi người chỉ cần dưới 300 mg mỗi ngày. Chỉ cần ăn một chén nhỏ óc heo đã cung cấp gấp 7 lần nhu cầu cholesterol trong ngày. Thường xuyên ăn óc heo hay óc động vật làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể, dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, rối loạn chuyển hóa (tăng mỡ máu, tăng axit uric), thừa cân, béo phì. Ăn nhiều óc heo vừa gây khó tiêu hóa, vừa khiến hệ thần kinh thêm căng thẳng, mệt mỏi, thiếu tỉnh táo.
Mặc dù chứa hàm lượng cholesterol cao, song các chất dinh dưỡng khác có trong óc heo lại rất thấp. Trong 100g óc heo chỉ có 7mg canxi, 1.6mg sắt, 9g đạm. Khi so sánh óc heo với các loại phủ tạng khác, hàm lượng đạm của óc heo chỉ bằng 50% so với gan, hàm lượng vitamin A, B, C rất thấp.
Khi bổ sung óc heo vào thực đơn hằng ngày, người lớn, trẻ nhỏ nên lưu ý ăn lượng vừa phải, mỗi tuần chỉ nên ăn tối đa 1-2 lần, mỗi lần không quá 50 g. Người cao tuổi, người bị cholesterol cao, có bệnh tim mạch không nên tiêu thụ óc động vật. Không dùng óc heo để điều trị bệnh đau đầu vì ăn nhiều làm tăng cholesterol, tăng huyết áp, khiến tình trạng đau đầu nặng hơn.
Hằng ngày, ngoài óc heo, cơ thể cần được cung cấp đủ các chất thiết yếu như chất bột đường có trong bánh mì đen, khoai lang, khoai tây, bắp.. Chất béo thiết yếu, như omega 3 và omega 6 có nhiều trong cá hồi, cá thu, quả bơ, tảo biển, rau bắp cải, dầu thực vật, thịt gà. Phốt pho và lexithin có nhiều trong lòng đỏ trứng, củ lạc. Sữa, phô mai, thịt, cá, trứng chứa axit amin. Rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin C, B, D, E. Kẽm có nhiều trong hải sản, thịt, cá. Huyết, gan, thịt, cá, trứng, rau xanh, các loại đậu giàu sắt.
Não là cơ quan quan trọng của cơ thể nên cũng cần có chế độ bồi bổ khác biệt, nhất là các dưỡng chất có khả năng vượt qua hàng rào bảo vệ của não. Ví dụ, các nghiên cứu chuyên sâu cho thấy, hai hoạt chất sinh học anthocyanin và pterostilbene có trong quả blueberry (việt quất) có khối lượng phân tử nhỏ nên dễ dàng vượt qua hàng rào máu não. Nó hỗ trợ chống lại gốc tự do, góp phần tăng cường kết nối thần kinh, cải thiện trí nhớ. Các dưỡng chất từ lá bạch quả (ginkgo biloba) cũng có khả năng giúp hoạt huyết não, góp phần thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau đầu, mất ngủ.
Bên cạnh bổ sung những dưỡng chất thiết yếu cho não, mọi người cần tránh tiêu thụ thực phẩm như đồ ăn nhanh, bánh kẹo ngọt, đồ chiên rán, rượu bia, thuốc lá... Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đường muối, chất bảo quản gây khó tiêu và làm tăng nguy cơ sản sinh nhiều gốc tự do làm hại tế bào não. Tăng cường hoạt động thể chất, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng cải thiện sức khỏe não bộ.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu
Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội